Ba cây chụm lại…

ANTĐ - Ngày 6-12-2011, 3 ngân hàng có trụ sở chính tại TP HCM là ngân hàng Đệ Nhất - FicomBank, ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa- TinNghiaBank và ngân hàng Sài Gòn - SGB đã được hợp nhất.

Đây là 3 ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất kể từ khi NHNN công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào tháng 10/2011. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được NHNN chỉ định tham gia hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng sau hợp nhất với tư cách là đại diện vốn Nhà nước tại ngân hàng này Mặc dù việc tái cơ cấu ngân hàng đã được xới lên từ đầu tháng 9 và thực sự trở thành một vấn đề nóng được quan tâm, nhưng trước việc sáp nhập ba thành một, có những khách hàng lo ngại sự tái cơ cấu có thể dẫn đến rối loạn tài chính, mất an toàn hoạt động ngân hàng từ những tổn thất, và chi phí của hệ thống tín dụng. Sự xuất hiện của BIDV với tư cách là đại diện ngân hàng Nhà nước đã khiến cho nhiều người băn khoăn về vai trò của chủ thể này. BIDV sẽ đứng ở vị trí nào trong quá trình này, liệu hợp nhất có thể trở thành một cơ hội đầu tư hay thâu tóm đã được đặt ra?

Ở Việt Nam, 3 Ngân hàng này hợp nhất cũng là việc làm hết sức bình thường trong thị trường tiền tệ, thể hiện một chiến lược phát triển mới để nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và  bền vững,  nhất là trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt trong nước cũng như khu vực và quốc tế hiện nay. Theo nhận định của của nhiều chuyên gia tài chính, với sự phát triển quá nhanh về quy mô trong khi các thiết chế quản lý không theo kịp đã khiến cho bản thân hệ thống ngân hàng có nhiều hạn chế nội tại. Bên cạnh đó, khu vực này còn chứa đựng những rủi ro của kinh tế vĩ mô khi phải sức ép tư khối doanh nghiệp và thị trường tài sản. Chính vì thế, việc chậm tái cơ cấu ngân hàng có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế. Hành động nhanh chóng và quyết liệt của NHNN sẽ sớm mang lại kết quả. Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, cách làm này đã có bước đi ban đầu thuận lợi khi đảm bảo được mục tiêu an toàn hệ thống và ổn định xã hội. Đó là điều cần thiết cho mọi cuộc cải cách.

Việc hợp nhất 3 ngân hàng trên là một cách làm khả thi, giúp cho thị trường liên ngân hàng ổn định hơn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc NHNN đồng ý cho 3 ngân hàng này sáp nhập và chỉ định BIDV tham gia một cách toàn diện trong hoạt động của ngân hàng không ngoài mục đích củng cố cho hoạt động của ngân hàng này tốt hơn, lành mạnh hơn, trên cơ sở đó đảm bảo đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại ngân hàng này. Về quyền lợi cổ đông cũ của 3 ngân hàng sáp nhập, Thống đốc cho biết trong quá trình tái củng cố sắp xếp lại sẽ có phần đánh giá hoạt động ngân hàng, đánh giá lại giá trị cổ đông của các ngân hàng  này theo đúng quy định của pháp luật. 

Sau chủ trương của NHNN, một ngân hàng mới sẽ được hình thành trên cơ sở kế thừa tài sản và nghĩa vụ của 3 ngân hàng nêu trên, với BIDV đại diện cho phần vốn góp của Nhà nước trong ngân hàng này. Tất cả các điểm giao dịch, các chứng từ của 3 ngân hàng này sẽ được chuyển thành tên gọi của một ngân hàng mới. Các điểm giao dịch cũng như các nghĩa vụ nợ cũng được chuyển sang ngân hàng mới sau khi hoàn tất quá trình hợp nhất hoàn toàn đầy đủ chứ không có sự phân loại. Các thương hiệu, văn tự tài liệu có liên quan đến 3 ngân hàng này sẽ thực hiện các nghĩa vụ nợ... tại ngân hàng hợp nhất mới. Dự kiến khai trương vào 1/1/2012. Sự tham gia của BIDV không làm ảnh hưởng đến hoạt động của 3 ngân hàng trên và quyền lợi của các khách hàng cũng như bạn hàng của các ngân hàng này cũng không bị ảnh hưởng. Sau hợp nhất 3 ngân hàng sẽ hình thành thành một ngân hàng có qui mô lớn hơn cả về năng lực tài chính, quản trị kinh doanh, phát huy thế mạnh của các ngân hàng trong một ngân hàng hợp nhất.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT – BIDV khẳng định “chúng tôi cam kết người gửi tiền tại ba ngân hàng này có thể rút trong hạn, ngoài hạn bất cứ lúc nào tại các điểm giao dịch của cả 3 ngân hàng trên đều được đáp ứng đầy đủ”.

Như vậy, với “trụ đỡ” là BIDV, mô hình hợp nhất lần đầu tiên này tỏ ra rất vững chãi như xưa nay vẫn có câu “ ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.