Azecbaijan đồng ý việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Karabakh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ngày 22-10 cho biết, Baku không phản đối ý tưởng triển khai các quan sát viên và lực lượng gìn giữ hòa bình ở khu vực Karabakh về nguyên tắc, nhưng nhấn mạnh Baku sẽ đưa ra các điều kiện riêng.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev

"Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) đã đưa ra một số đề xuất, bao gồm việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Karabakh, thành phần của phái đoàn quan sát viên, số lượng thành viên và ngày triển khai của họ. Chúng tôi không phản đối ý tưởng này, nhưng sẽ đưa ra các điều kiện riêng", ông Aliyev nói trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Nikkei của Nhật Bản.

Tổng thống Azecbaijan cũng nhắc lại việc Baku từ chối tổ chức bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào về nền độc lập của Karabakh. Bên cạnh đó, ông tuyên bố sẽ không loại trừ điều mà ông xem là "tự trị văn hóa" dành cho người thiểu số Armenia ở khu vực miền núi Nagorno-Karabakh.
Nhà lãnh đạo Baku đồng thời cho biết thêm, một cuộc gặp thưởng định có thể sớm được tổ chức giữa ông và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại thủ đô Matxcơva của Nga để thảo luận về tranh chấp Karabakh.

Đến nay, Nga đã thúc đẩy các nỗ lực hòa giải xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, hai thỏa thuận ngừng bắn do Matxcơva làm trung gian trong tháng này đã không ngăn được giao tranh tiếp diễn giữa hai nước.

Yerevan và Baku liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Tình hình ở Nagorno-Karabakh leo thang từ ngày 27-9. Các trận chiến giữa hai bên vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ tranh chấp.

Các chuyên gia và nhà ngoại giao cho rằng, cuộc xung đột có nguy cơ tạo ra một thảm họa nhân đạo, đặc biệt xung đột này kéo theo sự can dự ngày càng sâu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tình hình phức tạp hơn khi Baku được sự hỗ trợ tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ (một thành viên của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Về phần Armenia, quốc gia này là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước về an ninh tập thể (CSTO).