[Audio 20-11-2019] Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi: Không tăng giờ làm thêm

ANTD.VN - Bản tin hôm nay gồm những nội dung chính sau: Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi; Hai cựu Bộ trưởng sắp hầu tòa; Kẻ gian đóng vai tài xế xe ôm công nghệ để dàn cảnh trộm đồ; Một phụ huynh bị khởi tố vì "chạy điểm" tại Sơn La; Nga đưa 32 trẻ con của nghi phạm IS khỏi Iraq để tránh cực đoan; Thụy Điển không truy tố nhà sáng lập Wikileaks hiếp dâm.

*Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi

Đối với vấn đề gây tranh cãi nhất là có hay không tăng khung giờ làm thêm từ 300 lên 400 giờ/năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lấy phiếu thăm dò, sau đó đề nghị Quốc hội giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm tối đa (300 giờ/năm).

"Đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm" - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi

Như vậy, với quy định này, người sử dụng lao động có thể huy động giờ làm thêm theo mùa (thêm 10 giờ mỗi tháng) nhưng không được vượt quá 300 giờ/năm.

*Hai cựu Bộ trưởng sắp hầu tòa

Dự kiến ngày 16-12, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử 14 bị cáo vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Trong số 14 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, có 13 bị cáo bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".

Riêng bị cáo Phạm Nhật Vũ (SN 1973, cựu Chủ tịch HĐQT AVG) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.

Trong số các bị cáo, ông Nguyễn Bắc Son (SN 1953, cựu Bộ trưởng TT&TT), Trương Minh Tuấn (SN 1960, cựu Bộ trưởng TT&TT), Cao Duy Hải và Lê Nam Trà còn bị truy tố thêm tội “Nhận hối lộ”, theo quy định tại điều 354, khoản 4, bộ luật Hình sự 2015.

*Kẻ gian đóng vai tài xế xe ôm công nghệ để dàn cảnh trộm đồ

Tại phường Bình Thọ, kẻ gian đã lấy đi xe máy của P.H.Ph., sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Thủ Đức.

Theo đó, khoảng 12h ngày 17-11, Ph. gửi xe máy trước quán nước trên đường Lê Quý Đôn, phường Bình Thọ để vào trong học nhóm. Tuy nhiên, khi ra về thì Ph. tìm không thấy xe.

Vụ cướp tại Bình Tân (Ảnh cắt từ clip)

Từ hình ảnh camera ghi lại, lúc 14h30, một người đàn ông mặc áo Grab đi xe máy Exciter màu cam chở theo một người mặc áo đen liên tục đảo qua đảo lại trên đường Lê Quý Đôn và quan sát vào quán. Sau đó người ngồi sau xuống xe, người mặc áo Grab tiến tới vờ hỏi đường nhân viên trông xe của quán. Nhận thấy nhân viên mất cảnh giác do bận hướng dẫn, người áo đen tiến đến bẻ khóa chiếc xe và chỉ trong vài giây đã nhảy lên, phóng đi.

*Một phụ huynh bị khởi tố vì "chạy điểm" tại Sơn La

Trong 60 phụ huynh, người trung gian nhờ giúp đỡ trong kỳ thi tốt nghiệp 2018, duy nhất bà Lò Thị Trường bị cáo buộc đưa hối lộ 300 triệu đồng.

Công an xác định trước kỳ thi THPT 2018, bà Trường đến nhà ông Lò Văn Huynh (phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) nhờ nâng điểm cho con trai. Khi ông Huynh đồng ý, bà Trường đưa trước 300 triệu đồng và hứa hẹn khi có kết quả sẽ cảm ơn thêm nhưng không nói rõ số tiền. Qua đó, con trai bà được nâng 11,3 điểm cho ba môn.

*Nga đưa 32 trẻ con của nghi phạm IS khỏi Iraq để tránh cực đoan

Một chiếc máy bay của Bộ Ngoại giao Nga vừa đưa 32 trẻ em từ 1 đến 3 tuổi về tới Matxcơva sau khi rời khỏi Iraq, nơi mẹ của chúng đang ở trong tù vì các cáo buộc khủng bố. Trong khi đó, 40 quốc gia khác hầu hết không muốn tiếp nhận những nghi phạm khủng bố, kể cả trẻ em. Bởi thế, hàng nghìn đứa trẻ đang bị kẹt ở Iraq và Syria dường như cũng phải chịu sự trừng phạt chung vì tội lỗi mà cha mẹ chúng gây ra.

Cụ thể, chính quyền Nga cho biết, hàng chục trẻ em ở độ tuổi chập chững biết đi này bị giam giữ trong nhà tù ở Iraq, nơi mẹ của chúng đang thụ án hoặc đang chờ xét xử vì trở thành thành viên của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cho đến nay, 40 quốc gia không muốn tiếp nhận công dân của họ trở lại. Cũng vì nhiều nước tránh né, không muốn chịu trách nhiệm đối với công dân theo IS, giờ đây gánh nặng tiếp tục đổ dồn lên vai người Kurd, những người đang phải canh chừng các thành viên IS và gia đình của họ ở miền Đông Syria.

*Thụy Điển không truy tố nhà sáng lập Wikileaks hiếp dâm.

Theo Trưởng công tố Eva-Marie Persson, các nhà điều tra xác định các chứng cứ đơn giản là không đủ thuyết phục cho quá trình luận tội. Thời gian xảy ra vụ việc cũng đã quá lâu khiến việc phỏng vấn các nhân chứng khó đủ sức tin cậy.

Trong khi đó, cơ quan tư pháp Mỹ đã đưa ra tới 18 tội danh chống lại ông Assange và nếu bị xét xử tại Mỹ, nhà sáng lập Wikileaks có thể sẽ phải đối diện với án tù 175 năm. Phần lớn các tội danh này đều liên quan đến việc thu thập và công bố các bí mật quốc gia.