ASEAN đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với khả năng kết nối mọi cường quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò như một yếu tố quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Trao quyền cho ASEAN” -thành phần quan trọng đem đến thành công

Một loạt hoạt động của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN mở rộng ở Phnom Penh, Campuchia, đang tạo cơ hội để hợp tác Mỹ - ASEAN phát triển một cách toàn diện hơn, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của ASEAN trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Dù mỗi chính quyền có những ưu tiên chính sách và chiến thuật khác nhau, nhưng định hướng đến khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mang tính nhất quán qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Tháng 2-2022, Washington công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một trong hai văn kiện chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tài liệu vạch ra lộ trình thúc đẩy lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn của toàn khu vực, đồng thời thể hiện vị thế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong thứ bậc ưu tiên chính sách của chính quyền Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh tại Nhà Trắng nhân Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ, tháng 5-2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo ASEAN chụp ảnh tại Nhà Trắng nhân Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Mỹ, tháng 5-2022

Mục tiêu cơ bản của chiến lược này là thiết lập một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, kết nối, thịnh vượng, an ninh và bền vững. Thế nhưng, chiến lược này sẽ không thể đi đến đâu nếu Washington hành động “đơn thương độc mã”. Những thách thức lịch sử và tình hình chiến lược đang thay đổi đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có tiền lệ với những nước có cùng lợi ích. Để đạt được mục tiêu này, Washington sẽ dựa một phần vào việc tăng cường hợp tác lâu dài với ASEAN. Chiến lược nêu rõ “Trao quyền cho ASEAN” là một thành phần quan trọng để đem đến thành công bên cạnh các liên minh hiện đại hóa như nhóm “Bộ tứ” và Washington sẽ tìm kiếm các cơ hội để nhóm “Bộ tứ” làm việc với các quốc gia Đông Nam Á.

Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng bởi đây là một khu vực năng động với quy mô dân số lớn hơn cả Liên minh châu Âu (EU), Mỹ Latinh hoặc Trung Đông. Về kinh tế, 10 quốc gia ASEAN với khoảng 662 triệu dân có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 3.000 tỷ USD. Theo đánh giá của giới chuyên gia, kinh tế của Đông Nam Á sẽ lớn thứ tư trên thế giới sau khi điều chỉnh chi phí sinh hoạt, chỉ xếp sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Đây cũng là khu vực đa nguyên về chính trị với các hệ thống chính trị khác nhau.

Cuối cùng, tầm quan trọng chiến lược của khu vực này nằm ở vị trí địa lý. Eo biển Malacca và Biển Đông nằm trong số những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 50.000 tàu thuyền qua lại, chiếm 40% hoạt động buôn bán hàng hóa của thế giới và 25% nguồn cung cấp dầu của thế giới đi qua đây.

Chính vì thế, hiện Mỹ có hơn 4.200 công ty đang hoạt động ở Đông Nam Á. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Washington cũng đang gia tăng đầu tư vào khu vực này với tổng ước tính hiện đạt 329 tỷ USD, cao hơn so với tổng đầu tư vào khu vực của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Năm 2021, kim ngạch thương mại của Mỹ với ASEAN đạt 380 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 giao thương của Mỹ với toàn bộ châu Á.

Tiềm năng từ vị thế “trung tâm”, “trung lập”, “cân bằng”

ASEAN đóng vai trò như mảnh ghép quan trọng của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ bởi nhiều lý do, mà trước hết là bởi “Vai trò trung tâm của ASEAN” trong khu vực. “Trung tâm” ở đây không có nghĩa là ASEAN hoặc các quốc gia thành viên ASEAN là động lực thúc đẩy địa chính trị hoặc địa kinh tế của khu vực, mà là vị trí của ASEAN ở trung tâm cấu trúc ngoại giao của khu vực - tức là mạng lưới các hội nghị cấp cao và các cuộc họp, nơi diễn ra hầu hết các hoạt động ngoại giao đa phương của châu Á.

Có thể thấy các thành viên ASEAN đăng cai và chủ trì hầu hết các hội nghị ngoại giao lớn của khu vực và tận dụng vai trò của mình để xã hội hóa các ưu tiên với các đối tác xung quanh khu vực. Đặc quyền chủ trì này thường xuyên mang lại cho các thành viên ảnh hưởng bất ngờ đối với các điều khoản mà các cường quốc tham gia vào khu vực. Nhiều ngôn ngữ về các vấn đề gây tranh cãi, được phát triển lần đầu tiên trong các cuộc thảo luận của ASEAN, đã trở thành ngôn ngữ được sử dụng chung cho các nước đối tác, ngay cả với Mỹ. Đây là một thành tựu đáng chú ý đối với một thể chế bao gồm một tập hợp đa dạng các quốc gia quy mô vừa và nhỏ, có thể là đối tượng thụ động của chính sách ngoại giao cường quốc.

ASEAN cũng có thể đóng một vai trò toàn cầu trên trường quốc tế nhờ tính trung lập của khối trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng giữa các cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương. Với một khu vực đa dạng về chính trị, ý thức hệ và kinh tế, cũng như sự chia rẽ ngày càng lớn, một trật tự đa phương đúng nghĩa là giải pháp tốt nhất để duy trì ổn định và giảm căng thẳng. Nếu không có một trật tự như vậy, khu vực có nhiều khả năng bị chia cắt thành các phe nhóm do các cường quốc đứng đầu. Điều này sẽ thu hẹp không gian hoạt động chiến lược của họ. Bên cạnh đó, các thỏa thuận hợp tác khu vực cấp mở rộng sẽ bị hạn chế theo từng nhóm các quốc gia có “cùng chí hướng”, sẽ còn rất ít kênh liên lạc và tương tác giữa các quốc gia. Hậu quả là mâu thuẫn và chia rẽ trong khu vực sẽ ngày càng sâu sắc.

Bằng cách duy trì vị thế cân bằng và trung lập trên trường quốc tế, ASEAN đã tìm được nhiều lựa chọn hợp tác, chẳng hạn như các cơ chế kết nối phía nam bán cầu và các nền kinh tế phát triển. ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể theo định hướng này khi thiết lập Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. ASEAN cũng có thể trở thành một trong những trụ cột của nền tảng toàn cầu BRICS mở rộng (khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), cũng như đóng vai trò hàng đầu trong việc thiết lập nền tảng cho các nền kinh tế đang phát triển Á - Âu.

Nhờ những ưu thế kể trên, ASEAN hiện là nhóm duy nhất có thể kết nối mọi cường quốc trong khu vực lẫn thế giới, trong đó có hai cường quốc đang cạnh tranh lẫn nhau là Trung Quốc và Mỹ. Các cường quốc đó đều thừa nhận vai trò trung tâm của ASEAN. Tổ chức này có thể mang đến một khuôn khổ để mọi quốc gia cùng hợp tác, cũng như giúp các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Australia và Nhật Bản làm việc cùng nhau thông qua các tiến trình khu vực. Đó là lý do để ASEAN đóng vai trò như một yếu tố quan trọng trong tầm nhìn của Mỹ về “trật tự dựa trên luật lệ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cả trên phương diện kinh tế lẫn an ninh.