ASEAN đồng thuận về Biển Đông

ANTĐ - ASEAN thêm một lần nữa chứng minh sự đoàn kết, nhất trí - những nhân tố quyết định làm nên sức mạnh và sức hấp dẫn của một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới - khi đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông.

Các thành viên ASEAN cuối cùng đã đồng thuận trong vấn đề Biển Đông

Trong cuộc họp báo quốc tế chiều 20-7 tại Thủ đô Phnom Penh, thay mặt nước Chủ tịch ASEAN, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong đã công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông”. Nguyên tắc này cho thấy sự đồng thuận của tất cả 10 nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong cho biết, trong nguyên tắc 6 điểm, các Ngoại trưởng ASEAN tái khẳng định cam kết tuân thủ và thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), Hướng dẫn thực hiện DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). ASEAN cũng khẳng định tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của LHQ (UNCLOS), tự kiềm chế và không sử dụng bạo lực giữa tất cả các bên, áp dụng các biện pháp hòa bình đối với các tranh chấp, theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Việc nước Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN công bố “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” đã xua tan những hoài nghi về sự bất đồng quan điểm giữa các nước thành viên Hiệp hội trong vấn đề Biển Đông nổi lên từ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) cách đây 1 tuần ở Phnom Penh. Do nước chủ nhà Campuchia đã không đồng ý đề cập đến việc Philippines và Việt Nam nêu lên vấn đề Biển Đông mà AMM-45 đã không thể ra được Thông cáo chung của hội nghị.

Việc các thành viên ASEAN lần đầu tiên không ra được Thông cáo chung khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao kể từ khi thành lập đã làm dấy lên không ít câu hỏi về sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ Hiệp hội. Chính vì thế, ngay sau khi kết thúc AMM-45, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Marty Natalegawa đã có chuyến công du con thoi tới các quốc gia thành viên nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông vốn đang nổi lên là một thách thức lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trong toàn khu vực.

Những điểm chính của “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” đã được Bộ trưởng Natalegawa lần lượt đạt được sự thống nhất cao trong các chuyến tham vấn với những người đồng cấp ở Philippines, Việt Nam và Campuchia. Việc đưa ra được “Nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông” một lần nữa chứng minh rằng giữa các thành viên ASEAN có thể có những khác biệt ban đầu song cuối cùng tất cả đều đặt lợi ích chung của Hiệp hội lên trên để tìm tiếng nói chung dù vấn đề đặt ra có phức tạp và nhạy cảm đến đâu.

Không có thành viên ASEAN nào là cường quốc tầm cỡ toàn cầu song đoàn kết lại trong một thể thống nhất của một hiệp hội thì ASEAN lại có sức mạnh và sự hấp dẫn đối với tất cả các cường quốc lớn và trung tâm chính trị lớn nhất thế giới. Điều quyết định làm nên sức mạnh của ASEAN chính là sự đoàn kết và nhất trí. 

Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông

1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC).
2. Hướng dẫn thực hiện DOC (2011).
3. Sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
4. Hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
5. Các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng bạo lực. 
6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS).