ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 26-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38 và 39. Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38

Hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, ứng phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi tiếp tục là ưu tiên và được các nước quan tâm thảo luận. Các nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại trước những tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội, các nước nhất trí giải pháp cấp bách hiện nay là cần nỗ lực triển khai tiêm chủng toàn dân, tăng cường hệ thống y tế công cộng, đẩy mạnh phục hồi kinh tế. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục nâng cao năng lực tự cường, tự chủ vaccine, đảm bảo sự tiếp cận đầy đủ và đồng đều cho người dân.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các kết quả tích cực mà ASEAN đạt được qua một năm đầy khó khăn, thử thách. Chia sẻ ý kiến của lãnh đạo các nước, Thủ tướng đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.

Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự tham gia của “cả cộng đồng”, hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. ASEAN cần chuyển sang chiến lược mới để quản lý sự thay đổi với cách tiếp cận toàn dân để thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới, củng cố vai trò là hạt nhân của các tiến trình đối thoại, hợp tác và liên kết kinh tế đa phương, đa tầng nấc ở khu vực. Để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng cao sức hấp dẫn của thị trường ASEAN và đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, ASEAN cần cân nhắc tận dụng các yếu tố mới như chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, nhân lực chất lượng cao.

ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực

Tại Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 39, lãnh đạo các nước trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông, Myanmar, Bán đảo Triều Tiên… Bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình trên Biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, hủy hoại môi trường biển, các nhà lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hội nghị tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới Bộ quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các nhà lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các lãnh đạo khẳng định đoàn kết chính là chìa khóa để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay. Các nước đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đã được Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN tháng 4-2021 nhất trí.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định mong muốn cao nhất của tất cả các nước là có một môi trường khu vực hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác để tập trung chống dịch, phục hồi và tiếp tục phát triển phồn vinh, thịnh vượng.

Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần thể hiện bản lĩnh, vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông. Khẳng định kiên trì lập trường nguyên tắc về Biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần thúc đẩy mạnh mẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, hợp tác xây dựng trên các vấn đề thuộc lợi ích chung như bảo tồn môi trường biển, khắc phục tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân và người đi biển..., thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất của các bên, phấn đấu cùng Trung Quốc đạt Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, đồng thời khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ điều chỉnh các hành vi, hoạt động trên biển và đại dương.

Cảm thông với những khó khăn của người dân Myanmar, nhất là do tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị các bên cần ứng xử trách nhiệm vì lợi ích chung của cả khu vực, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm để Đặc phái viên có thể đến thăm Myanmar trong thời gian sớm nhất, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho người dân Myanmar.

Trước những diễn biến tình hình phức tạp hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong mọi vấn đề tác động đến khu vực, giúp giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN, phát huy tinh thần độc lập trong ứng xử, trung lập trong xử lý và cân bằng trong quan hệ sẽ giúp ASEAN tránh bị động trước sức ép của cạnh tranh nước lớn. Trên tinh thần đó, các nước lớn tham gia vào khu vực phải trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không làm ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực, tôn trọng vai trò của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

TTTXVN

TTTXVN