Áp thuế tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu: Doanh nghiệp được cứu, người dân lo

ANTĐ - Hàng loạt doanh nghiệp thép đứng trước nguy cơ phá sản do không đủ sức cạnh tranh với thép nhập khẩu tràn vào thị trường Việt Nam nếu như ngày 7-3-2016, Bộ Công Thương không ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu (có hiệu lực từ ngày 22-3-2016). Thuế tự vệ đối với thép nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng liệu doanh nghiệp trong nước có nhân cơ hội này để tăng giá bất hợp lý, đổ gánh nặng lên vai người tiêu dùng? 

Áp thuế tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu: Doanh nghiệp được cứu, người dân lo ảnh 1Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có thể sẽ phải đóng cửa nếu không áp thuế tự vệ tạm thời với thép nhập khẩu

Doanh nghiệp qua cơn bĩ cực

Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định nêu trên và dù văn bản chưa có hiệu lực, song giá thép trên thị trường Việt Nam đã tăng mạnh. Trên thị trường, giá thép cuộn hiện dao động từ 12,8-13,2 triệu đồng/tấn, thép cây 11,9-12,35 triệu đồng/tấn (tùy loại). Đại diện Công ty CP thép Việt (Pomina) cho biết, trong vài ngày tới dự kiến có đợt điều chỉnh giá giao tại nhà máy, ở mức khoảng 9,7 triệu đồng/tấn, tức là tiếp tục tăng khoảng 750.000 đồng/tấn so với trước đó và tổng mức tăng so với thời điểm ra quyết định là gần 1.000.000 đồng/tấn.  

Theo ông Trần Tuấn Dương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Hòa Phát, giá thép của hãng tăng khoảng 3% trong những ngày qua. “Việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài là cần thiết, hợp lý, phù hợp với các cam kết quốc tế và bảo vệ được ngành sản xuất trong nước” - ông Trần Tuấn Dương nói. 

Đại diện các doanh nghiệp thép cho rằng, giá thép tăng một phần nguyên nhân từ việc giá nguyên liệu trên thế giới tăng. Cụ thể, tháng 3-2016, giá phôi thép giao dịch ở mức 330 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với đầu tháng 1-2016. Giá thép phế liệu ở mức 220 USD/tấn, tăng khoảng 20% so với giá giao dịch trước đó (180-185USD/tấn). Tuy nhiên, giá thép tăng còn có tác động từ việc các đại lý, nhà phân phối có dấu hiệu găm hàng trước thời điểm thuế tăng, trong khi mùa khô - mùa xây dựng đang đến gần. 

Trong công văn gửi các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) ngày 16-3, Chủ tịch VSA ông Hồ Nghĩa Dũng đề nghị các doanh nghiệp cần lưu ý tình trạng “nhà thương mại muốn tích trữ để đầu cơ, vì dự đoán giá thép sẽ tăng do việc áp thuế tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài theo Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7-3-2016. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý, đẩy mạnh sản xuất phôi thép và thép dài, cung cấp đủ nhu cầu trong nước với chất lượng và giá cả cạnh tranh phù hợp với biến động thị trường giá thép thế giới”. 

Giá thép tăng cộng với nhu cầu tiêu dùng tăng là động lực giúp doanh nghiệp trong nước dần thoát khỏi khó khăn sau thời gian dài đình trệ sản xuất, tồn kho gia tăng và giá bán sản phẩm hạ xuống rất thấp, nguy cơ đóng cửa có thể đến bất cứ lúc nào.

Không lợi cho dân?

Giải pháp của Bộ Công Thương được coi là phao cứu sinh cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh người tiêu dùng, giá bất kỳ một mặt hàng nào tăng đều không phải là thông tin tốt. Anh Nguyễn Trọng Hậu (Nam Từ Liêm - Hà Nội), người đang có nhu cầu mua thép xây nhà cho biết: “Giá thép tăng đúng lúc tôi khởi công công trình. Nhà nước cứu các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp và nhà phân phối, đại lý không thương chúng tôi”.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, với thuế tự vệ tạm thời là 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho sản phẩm thép dài sẽ giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất thép dài trong nước. Trong khi đó, “trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên).

Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần”. Nói cách khác, thị trường thép không có độc quyền để làm giá, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Mặc dù vậy, giá thép dài và phôi thép tăng là khó tránh khỏi. “Mức tăng chỉ ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào. Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đánh giá khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra” - đại diện Bộ Công Thương khẳng định.

Thừa nhận có thể xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá, nhưng Bộ Công Thương cho rằng với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế (có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực) thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt.

Suýt phá sản vì thép nhập khẩu

Cuối năm 2014, Công ty thép Việt Trung với công suất 500.000 tấn/năm đi vào hoạt động. Nhưng chỉ ít lâu sau, công ty này đã phải dừng sản xuất và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với thép nhập khẩu. Liên hệ với đại diện một công ty thép có tiếng khác, vị này cho biết đã bỏ thép chuyển sang chăn nuôi bò cho một tập đoàn lớn vừa “lấn sân” đầu tư sang nông nghiệp. Đây là bằng chứng cho thấy sức “tàn phá” của thép nhập khẩu khi tràn vào nước ta, cạnh tranh không lành mạnh. 

Hơn 1 năm qua, từ cuối năm 2014, ngành thép trong nước bước vào giai đoạn đỉnh điểm của khó khăn. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam trong năm 2015 đã tăng hơn 3 lần so với 2014 (từ 590 nghìn tấn lên gần 1,89 triệu tấn) và lượng nhập khẩu thép dài cũng tăng gần 50% (từ gần 900 nghìn tấn lên 1,3 triệu tấn).

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến. Đặc biệt, nhập khẩu phôi thép tháng 1-2016 là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1-2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1-2016 là 269 USD/tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015. Ngành sản xuất thép trong nước chịu thiệt hại từ tình trạng gia tăng nhập khẩu đột biến này. Lượng sản xuất năm 2015 chỉ tăng hơn 1% so với năm 2014 trong khi con số này của năm trước là gần 10%. Công suất sử dụng của ngành phôi thép giảm từ gần 60% năm 2014 xuống còn dưới 50% năm 2015, trong khi công suất của ngành sản xuất trong nước mới chỉ bằng gần một nửa công suất thiết kế.

Bộ Công Thương cho rằng, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015. Dưới tác động của lượng nhập khẩu quá lớn đó, các nhà máy sản xuất phôi thép còn lại của Việt Nam sẽ không chỉ tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như trong năm 2015 mà có thể sẽ phải đóng cửa ngay lập tức. 

Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời rõ ràng là biện pháp giải quyết nhanh chóng những khó khăn của ngành thép. Tuy nhiên, về lâu dài, cơ quan chức năng phải giám sát chặt thép nhập khẩu, chỉ cho phép thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam khi đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để ngăn chặn thép lậu ngay từ biên giới, để doanh nghiệp không lao đao, người dân không phải nhấp nhổm vì giá hàng hóa lên xuống khó lường.