Áp lực với Tổng thống Nam Phi trước nguy cơ bị luận tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quốc hội Nam Phi đã chỉ định một ban hội thẩm độc lập để xác định liệu Tổng thống Cyril Ramaphosa có nên đối mặt với bản luận tội về cáo buộc che đậy hành vi sai trái có liên quan đến vụ trộm tai tiếng ở trang trại riêng của ông Ramaphosa.
Tổng thống Cyril Ramaphosa bị kiện liên quan đến vụ trộm số tiền “khủng” trong trang trại nuôi động vật hoang dã của ông

Tổng thống Cyril Ramaphosa bị kiện liên quan đến vụ trộm số tiền “khủng” trong trang trại nuôi động vật hoang dã của ông

Đơn kiện của cựu giám đốc tình báo

Vụ bê bối xung quanh Tổng thống Ramaphosa nổ ra vào tháng 6-2022 sau khi cựu Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Nam Phi, Arthur Fraser, đệ đơn khiếu nại lên cảnh sát. Ông Fraser cáo buộc ông Ramaphosa tội bắt cóc, hối lộ, rửa tiền và “che giấu tội ác” liên quan đến vụ trộm 4 triệu USD từ trang trại nuôi động vật hoang dã có tên là Phala Phala của Tổng thống. Đơn kiện dài 12 trang, kèm theo ảnh, tài liệu và đoạn phim từ camera giám sát về vụ trộm.

Theo trùm tình báo Arthur Fraser, bọn trộm đột nhập vào trang trại Phala Phala ở tỉnh Limpopo của Nam Phi vào ngày 9-2-2020 và phát hiện ra những xấp ngoại tệ được giấu trong nhiều đồ đạc khác nhau. Quản gia của ông Ramaphosa, người đang được bảo vệ danh tính, đã phát hiện ra vụ trộm và nhắn tin cho anh trai bà, người biết một băng nhóm có thể thực hiện vụ cướp. Băng nhóm này được cho là gồm 4 công dân Namibia và 2 người Nam Phi đã xâm nhập vào trang trại bằng cách cắt dây điện bao quanh và đi vào qua cửa sổ của nhà chính.

Theo đơn kiện, Tổng thống Ramaphosa lúc đó đang ở nước ngoài, đã giữ kín thông tin về vụ việc với nhà chức trách và thay vào đó, ông tổ chức để những tên cướp bị bắt cóc, thẩm vấn và sau đó trả gần 10.000 USD cho sự im lặng của những người liên quan. Tổng thống cũng được cho là đã tranh thủ sự trợ giúp của người đồng cấp Namibia, Hage Geingob để bắt một trong những nghi phạm là công dân Namibia bỏ trốn về nhà.

Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Ramaphosa đã thừa nhận có xảy ra vụ trộm nhưng phủ nhận các cáo buộc về bắt cóc và hối lộ, nói rằng anh đã trình báo với cảnh sát. Ông cũng đã tranh cãi về số tiền liên quan và cho biết, số tiền này đến từ việc nuôi gia súc trong trang trại.

Trang trại Phala Phala của Tổng thống Cyril Ramaphosa nằm ở ngoại ô của một thị trấn Bela-Bela ở Limpopo, tỉnh cực bắc của Nam Phi. Nó trải rộng 4.500 ha, hoạt động từ năm 2010. Hồi tháng 11-2020, tổ chức bảo vệ quyền động vật “Những người đối xử có đạo đức với động vật (PETA)” cáo buộc ông Ramaphosa có quan hệ với ngành săn bắt trái phép của Nam Phi nhưng ông Ramaphosa đã nhanh chóng phủ nhận điều này, cho rằng trang trại tuân thủ các thông lệ đạo đức và luật pháp tốt nhất trong lĩnh vực này.

Bê bối có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp

Về diễn biến mới nhất, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula hôm 14-9 đã công bố danh sách ban hội thẩm để xác định cơ sở luận tội, theo hãng tin địa phương News24. Ban hội thẩm 3 người do cựu Chánh án Sandile Ngcobo đứng đầu, cùng với đó là một cựu thẩm phán Tòa án Tối cao và một giáo sư đại học. Họ sẽ có 30 ngày để báo cáo những phát hiện của mình.

Theo luật pháp Nam Phi, việc luận tội phế truất Tổng thống đòi hỏi phải có 2/3 số phiếu trong Quốc hội, trong khi đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của Tổng thống Ramaphosa hiện chiếm hơn 2/3 số ghế nghị viện. Tuy nhiên, gần đây đã có sự chia rẽ trong hàng ngũ của ANC khi một số đảng viên tham gia một cuộc tuần hành chống ông Ramaphosa vào tháng 7, để yêu cầu phế truất Tổng thống.

Vào tháng 6-2022, các nhà lập pháp từ đảng đối lập hàng đầu “Những người đấu tranh Tự do Kinh tế (EFF)”, đã ngắt lời Tổng thống khi ông có bài phát biểu tại Quốc hội. Một đảng đối lập nhỏ, Phong trào Chuyển đổi châu Phi (ATM), đã vận động phong trào dẫn đến việc thành lập ban hội thẩm tại Quốc hội vào ngày 14-9.

Khi bê bối vỡ lở tháng 6-2022, Tổng thống Ramaphosa đã đình chỉ người đứng đầu cơ quan thanh tra chống tham nhũng của Nam Phi chỉ một ngày sau khi lãnh đạo cơ quan này mở cuộc điều tra về vụ trộm. Tuần trước, Tòa án Tối cao đã bác lệnh đình chỉ, nói rằng “bản chất vội vàng” của động thái này có thể là vì mục đích cá nhân.

Nhậm chức vào năm 2018 sau khi đánh bại cựu Chủ tịch Liên minh châu Phi Nkosazana Dlamini-Zuma trong cuộc tổng tuyển cử của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), ông Ramaphosa đã thề sẽ diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của ông Ramaphosa đã có nhiều tranh cãi và những cáo buộc của Fraser có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của Tổng thống khi ông Ramaphosa dự kiến sẽ tái tranh cử khi đảng ANC cầm quyền chuẩn bị tổ chức bầu cử quốc gia vào tháng 12 tới.