Áp lực tăng lãi suất tứ bề, chính sách tiền tệ Việt Nam liệu có phải thắt chặt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có tới gần 150 đợt tăng lãi suất. Trong khi đó, tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước sau 3 lần giảm lãi suất điều hành thì vẫn chưa có động thái tăng trở lại.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, sau khi Fed điều chỉnh lãi suất ngày 15/6 với mức điều chỉnh lớn nhất kể từ 1994 trở lại đây, thị trường trong nước biến động rất nhẹ, lãi suất huy động và cho vay được duy trì ổn định.

“Đây là một sự nỗ lực rất lớn trong điều hành và NHNN đã thực hiện đúng tôn chỉ bám sát điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và ổn định lạm phát” – ông Quang nói.

Còn theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành mặc dù chịu áp lực từ xu hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất trên toàn cầu, nhằm tạo điều kiện để TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Việt Nam vẫn duy trì mức lãi suất điều hành thấp dù áp lực tăng lãi suất đang rất lớn

Việt Nam vẫn duy trì mức lãi suất điều hành thấp dù áp lực tăng lãi suất đang rất lớn

Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, áp lực tăng lãi suất trên thế giới khó có khả năng đảo ngược chính sách tiền tệ của NHNN trong năm nay. Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán ACBS, các chuyên gia tiếp tục giữ quan điểm việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn bởi việc Fed tăng 0,75% lãi suất.

Theo ACBS, bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình thắt chặt định lượng của Fed, thì CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,5%-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.

Và miễn là tỷ lệ lạm phát của Việt Nam duy trì trong mức 4%, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Thứ hai, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Và Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và chừng nào lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong ngành công nghiệp sản xuất.

Thứ ba, xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp thay thế nhằm bù đắp sản lượng mất mát, do chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong 5 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tiếp tục sôi động, ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305,1 tỷ USD.

Do đó, ACBS cho rằng NHNN có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 50 điểm phần trăm (+0,5%). Ngoài ra, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, VND nói chung (trong hệ thống ngân hàng và chợ đen) sẽ giữ giá và ổn định từ đây tới cuối năm 2022 nhờ việc lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%.

Đồng thời, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. FDI giải ngân ổn định trong 5 tháng đầu năm (tăng 7,8%) và nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào (ước đạt 113 tỷ USD vào cuối năm 2021).