Áp lực lãi suất sẽ tăng trong các tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Áp lực tăng lãi suất huy động có thể giảm trong quý III do các ngân hàng hết dư địa tăng trưởng tín dụng nhưng có thể quay trở lại trong quý IV tới.

Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng lên

Trong tháng 7 này, thị trường ngân hàng chứng kiến một số ngân hàng tăng lãi suất huy động. Trong đó, mạnh mẽ nhất là ACB với mức tăng cao nhất tới 0,9%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và kỳ hạn 9 tháng, tăng 0,6%/năm cho kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng, tăng 0,8%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng.

Trên thị trường, thời điểm này, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn 1-3 tháng đã được nhiều nhà băng như SCB, NamABank, Kienlongbank, VietABank… đẩy lên mức trần 4%/năm.

Trong khi đó, ở kỳ hạn dài 12 tháng, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng đã lên tới trên dưới 7%/năm. Trong đó, SCB đang là ngân hàng chào lãi suất cao nhất là 7,3%/năm cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online. Tiếp theo là NamABank 7,2%/năm đối với hình thức gửi trực tuyến, CBBank là 7,15%/năm…

Tại các kỳ hạn trên 12 tháng, một số ngân hàng thậm chí đã nâng lãi suất huy động lên trên dưới 7,5%/năm.

Trong bối cảnh lãi suất huy động đang nóng dần lên, các "ông lớn" ngân hàng có vốn Nhà nước – vốn chiếm thị phần lớn và có lợi thế về nguồn vốn giá rẻ cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Mới đây nhất, Agribank đã có động thái tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn từ 12 đến 24 tháng. Dù mức tăng khiêm tốn chỉ 0,1%/năm nhưng điều này cũng cho thấy áp lực thanh khoản phần nào đã lan đến các ngân hàng có nguồn vốn dồi dào nhất. Trước đó, BIDV cũng có mức tăng tương tự trong tháng 6.

Áp lực lãi suất huy động đã lan đến các ngân hàng lớn

Áp lực lãi suất huy động đã lan đến các ngân hàng lớn

Lãi suất cho vay sẽ phân hóa

Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia Chứng khoán VNDirect, dự báo đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đà tăng có thể tăng tốc trở lại trong quý IV sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

“Chúng tôi cho rằng rằng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 30-50 điểm cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2022. Chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NHTM có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm (bình quân) vào cuối năm 2022, mức này vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7,0%/năm” – các chuyên gia VNDirect nhận định.

Tuy nhiên, VNDirect cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, không thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường. Đối với lãi suất điều hành, nếu có đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý 4/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.

Về lãi suất cho vay, VNDirect dự báo gói cấp bù lãi suất có thể giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm vào năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.

Cũng cho rằng định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) vẫn là giữ lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch, song các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán VCBS cho rằng với tăng trưởng tín dụng dự báo đạt cao hơn so với cùng kỳ, lãi suất huy động chịu áp lực tăng nên lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cũng nhận định việc giảm lãi suất năm nay là cực kỳ khó khi lãi suất đầu vào đang tăng và đây cũng là xu hướng chủ đạo ở các nền kinh tế trên thế giới.

"Năm nay nếu giữ bình ổn được lãi suất cho vay đã là một thành công", vị chuyên gia nhận định.

Và với việc lãi suất đầu vào tăng lên, đầu ra không tăng được, chênh lệch lãi suất ròng tại các nhà băng sẽ giảm đi so với những năm trước. Theo đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng ngân hàng sẽ buộc phải tìm cách đa dạng hoá hoạt động để tăng nguồn thu.