Áp giá trần sữa dành cho trẻ em: Không dễ như ăn kẹo

ANTĐ - Sau những nhức nhối, khi các doanh nghiệp kinh doanh sữa tăng vô tội vạ giá sữa, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để có thể quản lý bằng được giá sữa dành cho trẻ em. 

Biện pháp đầu tiên sẽ là công bố áp trần giá sữa. Dĩ nhiên có áp dụng biện pháp nào cũng chỉ để bớt chút ít số lãi khủng, như nhiều nhà nghiên cứu cho biết tới trên 30% mỗi sản phẩm, để các con em chúng ta béo lên thêm một chút mà thôi. Nhưng sau khi hồ hởi phấn khởi trước biện pháp mới mà như lãnh đạo ngành Quản lý giá Bộ Tài chính tuyên bố có thể mỗi hộp sữa dành cho trẻ sẽ giảm được 50.000-70.000 đồng, dư luận bỗng băn khoăn: Có thực hiện được không? Và có giảm giá sữa được không? 

Áp trần giá sữa 

Về nguyên tắc, áp trần giá, nghĩa là cho một giá trần và các doanh nghiệp không được bán hơn mức giá này. Nếu vi phạm sẽ có chế tài, nhẹ thì phạt tiền, nặng thì ngừng kinh doanh. Đây là biện pháp bình ổn giá cần thiết phải thực hiện để lập lại ổn định thị trường sữa sau hàng loạt sai phạm được thanh tra bộ phát hiện trong đợt kiểm tra việc chấp hành giá và thuế tại 5 doanh nghiệp (DN) sữa lớn chiếm tới 90% thị phần.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào đặc tính và giá trị sử dụng của mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, điều kiện cụ thể về sản xuất, kinh doanh, thị trường, lưu thông hàng hóa… để lựa chọn phương pháp định giá phù hợp. Sẽ có 2 phương pháp định giá để lựa chọn, gồm phương pháp so sánh và phương pháp chi phí. So sánh là phương pháp định giá hàng hóa căn cứ vào kết quả phân tích, so sánh giữa mức giá và các đặc điểm kinh tế kỹ thuật ảnh hưởng lớn đến mức giá của hàng hóa tương tự được giao dịch trên thị trường trong nước, có tham khảo giá trên thị trường khu vực và quốc tế.

Còn theo phương pháp chi phí, giá sữa sẽ được tính trên cơ sở chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và mức lợi nhuận dự kiến (nếu có) phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chính sách của Nhà nước có tác động đến giá sữa. Đối với sữa sản xuất trong nước, giá trần được tính theo công thức giá thành toàn bộ + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và các loại thuế khác (nếu có). Đối với sữa nhập khẩu, công thức tính giá là giá vốn nhập khẩu + chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN, chi phí tài chính (nếu có) + lợi nhuận dự kiến + thuế GTGT và thuế khác (nếu có).

Các công thức tính toán, các biện pháp đều đã có. Theo Cục Quản lý giá, việc áp dụng biện pháp giá tối đa và đăng ký giá với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đảm bảo sự kiềm chế tăng giá đối với mặt hàng này. Việc áp dụng mức giá tối đa sẽ đòi hỏi các tổ chức, cá nhân  sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có giá bán cao hơn phải nghiên cứu tính toán chi phí liên quan cho phù hợp, để thực hiện đúng giá tối đa và đăng ký giá theo quy định mà vẫn đảm bảo hoạt động kinh doanh bình thường. Việc này cũng tác động đến các tổ chức cá nhân kinh doanh mặt hàng sữa trẻ em chưa điều chỉnh giá phải tính toán thận trọng các chi phí, các yếu tố ảnh hưởng của thị trường, đảm bảo mức đưa ra không cao hơn so với mức giá tối đa mà Nhà nước quy định. Trong đó đã tính đến đảm bảo lợi ích của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và cam kết WTO. Nhìn chung, khi Nhà nước áp dụng biện pháp giá tối đa sẽ tác động làm giảm giá đối với các sản phẩm sữa trên thị trường, chấm dứt tình trạng giá sữa leo thang trong thời gian vừa qua mà vẫn đảm bảo sản xuất kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh mặt hàng sữa cho trẻ em.

Hơn nữa, việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sẽ tác động tích cực đến đời sống của đại đa số người dân, sẽ tạo sự đồng thuận cao của người dân, quyền và lợi ích người tiêu dùng cũng sẽ được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Có làm được không?

Theo thống kê của các chuyên gia, hiện nay trên kệ bán hàng của các nhà bán lẻ có đến trên 200 nhãn hiệu sữa với đủ loại chất lượng, đủ loại bao bì và thành phần sữa thì vô cùng khác nhau. Như vậy bằng cách tính nào đi nữa cũng sẽ có trên 200 mức giá trần cho các loại sữa và nếu có bất kỳ một sự thay đổi nào về giá, về chất lượng, về thành phần, cơ quan Quản lý giá cũng sẽ phải ngồi tính lại giá trần. Cùng với kiểm tra, kiểm sát, xử lý sai phạm, xử lý khiếu kiện… Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát được giá của mặt hàng sữa thông qua giải pháp quy định giá trần. Thực tế, thị trường sữa hiện nay đang cạnh tranh rất khốc liệt với hàng trăm dòng sản phẩm khác nhau. Hơn nữa, 70% thị trường sữa vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập nước ngoài mà từ nguyên liệu sữa bột nhập khẩu đến sản phẩm sữa cuối cùng bán trên thị trường đã có tính chất rất khác nhau. Chỉ cần thêm, bớt thành phần là tính chất sữa thay đổi, kéo theo sự thay đổi về giá. Do đó, lấy sản phẩm của DN này so sánh với DN kia đã là rất khó khăn. Không hiểu cơ quan quản lý sẽ áp trần như thế nào. Còn nếu tính theo phương pháp chi phí, theo các chuyên gia, chỉ có DN trực tiếp nhập khẩu hoặc sản xuất mới biết chi phí thực.

Thêm nữa, áp giá trần là hành động dùng biện pháp hành chính can thiệp vào thị trường, một hành động có thể để lại hậu quả rất nguy hại, có thể phá bỏ thị trường sữa. Một chuyên gia cho biết, quản lý giá sữa theo kiểu này chỉ là chạy theo doanh nghiệp và cố bịt lỗ hổng. Đối với doanh nghiệp, bịt lỗ này họ sẽ đáo lỗ mới. Vai trò của Nhà nước là tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, đằng này cơ quan chức năng lo xóa bỏ cạnh tranh. Tóm lại rất khó thực hiện biện pháp này, chưa nói gì đến hiệu quả của nó.

Có giảm giá được không?

Khảo sát tại một số cửa hàng ở quận Gò Vấp, quận Tân Bình các chủ cửa hàng đều công bố trước với người mua rằng bây giờ một số sản phẩm sữa đều giảm trọng lượng nhưng giá vẫn như cũ. “Cửa hàng chưa nhập hàng mới về nên vẫn bán giá cũ và trọng lượng đầy đủ chứ mai mốt mua loại 1,7 kg giảm xuống còn 1,6 kg phải chịu giá cao” - một điểm kinh doanh cho biết. Không chỉ giảm trọng lượng, các hãng sữa còn tìm cách nâng giá sản phẩm bằng các sản phẩm mới. 

Ông Phan Bách, chuyên gia nghiên cứu thị trường sữa cho biết việc cho ra một sản phẩm mới do nghiên cứu mới, mang giá trị cộng thêm mới thực sự tốt thì nguyên tắc thị trường cho phép DN đặt giá mới. Nhưng trong một thời gian ngắn thì khó có sản phẩm như vậy tung ngay ra thị trường. Nếu sản phẩm chỉ thay mới bao bì, kích thước, trọng lượng... thì có thể là cách mà doanh nghiệp đối phó với biện pháp quản lý giá.

Thật sự, cơ quan quản lý giá cũng không thể nào xây dựng được một đội quân hùng hậu bám sát các cơ sở sản xuất để quản lý chất lượng sản phẩm. Chỉ cần bớt đi một khâu đoạn, bớt đi một lượng thành phần quan trọng, giá thành đã giảm nhiều và với giá trần cố định, chúng tôi e, lợi nhuận kinh doanh sữa sẽ lớn hơn và trẻ sẽ chậm phát triển hơn. 

Vậy nên vấn đề là cần chống tình trạng chỉ 5 doanh nghiệp chiếm 90% thị phần sữa hiện nay, đè cổ khách hàng lấy tiền. Cần tạo ra một thị trường cạnh tranh thật sự để các bà mẹ ông bố có quyền chọn sữa rẻ và chất lượng thay vì buộc phải mua một vài loại với giá bình thông nhau như hiện nay. Đó mới là biện pháp căn bản và hiệu quả.