Áp giá sàn vé máy bay sẽ triệt tiêu cạnh tranh

ANTD.VN - Không chỉ Jetstar Pacific, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ GTVT áp giá sàn vé máy bay để tăng thêm lợi nhuận. Thực tế là rất ít quốc gia trên thế giới còn áp giá trần chứ chưa nói đến giá sàn.

Vietnam Airlines đề nghị áp giá sàn để hạn chế tình trạng ngành hàng không phát triển nóng

Sau Jetstar Pacific, mới đây, Vietnam Airlines cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT áp giá sàn vé máy bay để tránh tình trạng phát triển nóng của ngành hàng không và tăng chất lượng dịch vụ; tăng thêm lợi nhuận thu về cho các hãng hàng không để tái đầu tư. Tuy vậy, hãng hàng không Vietjet Air lại phản đối ý tưởng này. Nhiều chuyên gia cho rằng, áp giá sàn vé máy bay là triệt tiêu tính cạnh tranh thị trường, người tiêu dùng sẽ thiệt thòi.

Áp giá sàn, lợi nhuận sẽ tăng 2.500 tỷ đồng

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, đại diện Vietnam Airlines (VNA) cho biết, với chủ trương đa dạng hóa giá vé máy bay, trên cơ sở giá trần Nhà nước quy định, VNA hiện đang áp dụng 13 dải giá vé máy bay khác nhau cho mỗi đường bay nội địa, bao gồm 2 dải giá cho hạng thương gia và 11 dải giá cho hạng phổ thông với những điều kiện áp dụng khác nhau. Kết quả 12 tháng năm 2016 có 4% khách hạng thương gia, 9,6% khách mua giá hạng phổ thông (giá cao nhất hiện tại), 40% khách mua giá hạng thấp nhất, còn lại khoảng 46% là khách mua các mức giá khác.

Tuy nhiên, mức doanh thu trung bình có xu hướng giảm qua các năm. Từ đó, VNA cho rằng, cần thiết phải điều chỉnh tăng giá trần cùng với việc áp dụng mức giá sàn nhằm tăng hiệu quả đường bay. “Sau khi được phê duyệt mức giá trần mới và mức giá sàn, theo đặc thù ngành hàng không và để đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường, cùng với thực tế giá vé vận tải hàng không do thị trường điều tiết, VNA vẫn áp dụng chính sách đa dạng hóa giá vé và dự tính mức giá cao nhất khoang phổ thông chiếm tỷ trọng khoảng 10% trên tổng lượng bán, mức giá thấp nhất chiếm tỷ trọng chiếm khoảng trên 60% trên tổng lượng bán”, đại diện VNA thông tin.

Về giá sàn, VNA đưa ra xây dựng dựa trên cơ sở chi phí biến đổi + chi phí thiết bị bay. Cụ thể, giá trần sẽ là 4.200.000 đồng/vé, còn giá sàn là 1.540.000 đồng/vé. VNA dự kiến, trước mắt, sẽ tăng 5% so với giá hiện tại và áp dụng giá sàn theo như đề nghị. Nếu thực hiện điều này, chỉ sau 1 năm, ước tính doanh thu VNA tăng khoảng 2.500 tỷ đồng.

Như vậy, với dự thảo Quyết định khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không cơ bản trên các đường bay nội địa mà Bộ GTVT đang lấy ý kiến, có 2 hãng hàng không nội địa kiến nghị áp giá sàn vé máy bay trên các đường bay nội địa và chỉ có hãng hàng không Vietjet Air không đồng tình với việc áp giá sàn.

Bất lợi cho người tiêu dùng?

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, muốn có tính cạnh tranh thì không nên áp giá sàn vé máy bay, việc áp giá sàn vé máy bay chỉ nhằm bảo hộ có lợi cho các doanh nghiệp hàng không, bất lợi cho người tiêu dùng. 

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, việc áp giá sàn là hạn chế cạnh tranh, không có lợi cho người tiêu dùng. Bộ GTVT không nên can thiệp vào giá sàn, bởi vì trong thời gian vừa qua, hãng hàng không giá rẻ cũng như các hãng hàng không khác đã cạnh tranh một cách lành mạnh và phát triển rất nhanh. Vì thế, hãy để cho họ cạnh tranh, cơ quan quản lý chỉ nên giám sát để duy trì chất lượng một cách tốt nhất.

“Hãy để cho các hãng hàng không cạnh tranh với nhau. Từ đó, các hãng sẽ áp dụng công nghệ và quản lý một cách hợp lý nhất, cạnh tranh thực chất trong việc cải tiến chất lượng, người tiêu dùng sẽ được lợi so với việc áp giá sàn. Tôi cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường”, TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Cùng chung quan điểm, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho rằng, phương thức quản lý giá vé máy bay bằng khung giá (giá trần - giá sàn) trên mọi đường bay nội địa đã lạc hậu so với thực tiễn thế giới và cũng không phù hợp với nước ta. Trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là quyết định giá bán của các doanh nghiệp.

Quan điểm này đã được các nước châu Âu tiếp nhận từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước và sau đó cũng đã lan sang các nước châu Á. Đến nay, hiếm có nước nào quản lý giá vé máy bay nội địa bằng giá trần như ở Việt Nam, giá sàn thì lại càng hiếm hơn. “Cách quản lý giá vé máy bay ở nước ta nên thay đổi theo hướng hội nhập quốc tế, “thị trường hóa”, giảm tối đa sự can thiệp của Nhà nước”, TS Lương Hoài Nam cho ý kiến.

Cũng theo TS Lương Hoài Nam, đa dạng hóa giá vé theo các hạng giá trong cùng một hạng dịch vụ là thực tiễn kinh doanh ở bất kỳ nơi nào thị trường hàng không có tính cạnh tranh. “Tôi chưa thấy nước nào quy kết được hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các hãng hàng không thông qua việc bán vé giá rẻ, trừ khi trong tay cơ quan quản lý có bằng chứng xác thực rằng một chiến dịch bán vé giá rẻ nào đó có mục đích rõ ràng là tiêu diệt đối thủ cạnh tranh cụ thể nào đó”, TS Lương Hoài Nam cho hay.