Áp dụng mức phí công chứng mới: Người dân dễ bị “sốc”

(ANTĐ) - Kể từ khi áp dụng mức phí công chứng mới (21-11-2008) đến nay, so với mức phí cũ thì cao hơn nhiều lần khiến người dân vẫn chưa thực sự hài lòng.

Áp dụng mức phí công chứng mới: Người dân dễ bị “sốc”

(ANTĐ) - Kể từ khi áp dụng mức phí công chứng mới (21-11-2008) đến nay, so với mức phí cũ thì cao hơn nhiều lần khiến người dân vẫn chưa thực sự hài lòng.

Khách đến công chứng tại VPCC Hà Nội
Khách đến công chứng tại VPCC Hà Nội

Áp dụng nhanh dễ “sốc”?

Theo Thông tư Liên tịch 91 và 92 của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp, bắt đầu từ ngày 21-11, lệ phí công chứng được áp dụng mức thu phí mới. Phí công chứng các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất, hợp đồng thế chấp tài sản, khai nhận di sản thừa kế... tăng cao làm cho khách hàng gặp khó khăn. Cụ thể, theo mức phí cũ, công chứng hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp: 50.000 đồng; hợp đồng bảo lãnh 100.000 đồng, giấy ủy quyền 20.000 đồng, di chúc 40.000 đồng... Mức thu lệ phí cấp bản sao, lệ phí chứng thực như sau: Cấp bản sao từ sổ gốc: không quá 3.000 đồng một bản; chứng thực bản sao từ bản chính: không quá 2.000 đồng một trang; từ trang thứ 3 trở lên, mỗi trang thu không quá 1.000 đồng, tối đa thu không quá 100.000 đồng một bản; chứng thực chữ ký: không quá 10.000 đồng một trường hợp. Nhưng hiện nay, phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định tăng lên theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch (hợp đồng tặng cho mua bán tài sản, vay tiền, thế chấp cầm cố...) được tính theo phần trăm giá trị tài sản (0,05 - 0,1%), cao nhất không quá 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, phân tích việc tăng lệ phí công chứng cũng như phản ứng của người dân đến các văn phòng công chứng (VPCC), ông Lê Quốc Hùng - Trưởng VPCC Hà Nội cho biết: Việc thu mức phí như hiện nay vẫn chưa thực sự làm cho người dân hài lòng là hoàn toàn có lý do. Bởi việc áp dụng quy định mới quá nhanh, dễ làm cho người dân bị “sốc”. Khi áp dụng các quy định mới vào thực tiễn, các cơ quan chức năng cần có thời gian tuyên truyền, tránh áp dụng đột ngột khi người dân chưa kịp cập nhật thông tin. Để ban hành một quy định, văn bản hay luật theo một quy trình, nghĩa là có dự thảo, nhưng việc làm này đa số diễn ra đối với các cơ quan chức năng chứ người dân đâu có biết!

Anh Nguyễn Văn Thủy, trú tại phòng 307 nhà B4 - khu chung cư Mỹ Đình 1 - Từ Liêm cho biết: “Mặc dù trước đó nhiều lần đi làm thủ tục công chứng nhưng cũng không biết việc áp mức lệ phí mới. Chỉ đến khi công chứng viên nói thì mới biết”.

Tuy nhiên, vẫn theo ông Lê Quốc Hùng, việc thu phí công chứng hiện nay so với mức phí cũ và so với mặt bằng chung là hợp lý, vì hiện nay giá cả thị trường có nhiều biến động. Nhu cầu giao dịch thị trường bất động sản diễn ra rất lớn, mức phí công chứng nhiều năm không thay đổi, lạc hậu so với sự phát triển của thị trường bất động sản. Nếu chỉ thu theo lệ phí cũ, thì chỉ có VPCC Nhà nước được “bao cấp” một phần mới có thể kham nổi, còn đối với VPCC tư là hết sức khó khăn. Mức phí mới có thể tăng lên gấp đôi nhưng không có nghĩa doanh thu của các VPCC cũng tăng như vậy. Theo khung giá thu phí thì những hợp đồng nhỏ và trung bình tăng không đáng kể. Hầu hết giá trị thực của hợp đồng cần công chứng ít có trường hợp thu kịch mức phí trần (10 triệu đồng/hợp đồng).

Trị giá tài sản cao, mức phí cao

Bảng niêm yết mức phí công chứng tại VPCC Hồng Vân
Bảng niêm yết mức phí công chứng tại VPCC Hồng Vân

Hiện, mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch (xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch) được quy định: dưới 100 triệu đồng, thu 100.000 đồng; từ 100 triệu đồng đến một tỷ đồng thu 0,1% giá trị hợp đồng; từ trên một tỷ đồng đến năm tỷ đồng, thu một triệu đồng và 0,07% giá trị vượt quá một tỷ đồng; từ trên năm tỷ đồng thu 3,8 triệu đồng và 0,05% giá trị vượt quá năm tỷ đồng nhưng tối đa không quá 10 triệu đồng một trường hợp. Có thể thấy rằng, những tài sản có giá trị lớn thì mức phí công chứng càng cao. Bên cạnh đó, tất cả khoản phí liên quan việc công chứng không theo giá trị tài sản, hợp đồng giao dịch cũng bị điều chỉnh tăng gấp đôi so với mức cũ như: công chứng di chúc, hợp đồng ủy quyền, giấy ủy quyền, hợp đồng bảo lãnh, lưu giữ di chúc...

Anh Hoàng Anh Việt - Giám đốc một công ty tư nhân ái ngại: “Để mở rộng hoạt động của công ty, tôi phải vay rất nhiều vốn từ ngân hàng đến thế chấp bất động sản. Như vậy, tiền phải bỏ ra công chứng giấy tờ không phải là ít. Như hiện nay, tôi đang làm thủ tục công chứng hồ sơ ngôi nhà trị giá hơn 12 tỷ đồng cũng phải mất gần 10 triệu đồng tiền phí, nếu theo giá cũ thì chỉ mất 2 triệu đồng”.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Trưởng VPCC Hồng Vân, sự biến động lớn nhất hiện nay là mảng ngân hàng, bởi các hợp đồng giao dịch khách đến công chứng là hợp đồng ghi trị giá thực không giống như việc công chứng các hợp đồng giao dịch bất động sản. Còn đối với việc thu phí công chứng khai nhận di sản thừa kế là chưa hợp lý. Khi người hưởng thừa kế tài sản của cha mẹ, con cái được miễn thuế chuyển quyền sử dụng đất, miễn lệ phí trước bạ thì phí công chứng vẫn thu 0,1% (tính trên tổng trị giá di sản thừa kế được khai nhận). Với mức lệ phí mới, tùy giá trị di sản thừa kế nhiều hay ít mà lệ phí công chứng cũng tăng tương ứng.

Thanh Quang