Áp dụng công nghệ đường biên: Công bằng được thực thi!

ANTĐ - Ủy ban làm Luật Bóng đá quốc tế (IFAB) đã phê duyệt áp dụng công nghệ đường biên để xác định bóng lăn qua vạch vôi hay chưa, điều sẽ chấm dứt những cuộc tranh cãi xuyên suốt trong lịch sử bóng đá thế giới. 

IFAB đã thông qua việc sử dụng 2 hệ thống công nghệ khác nhau. Tổng thư ký FIFA, Jerome Valcke cho biết, các hệ thống này sẽ được sử dụng chính thức tại World Cup 2014 ở Brazil. Trước mắt, công nghệ xác định bóng lăn qua vạch vôi hay chưa sẽ được áp dụng tại cúp các CLB thế giới ở Tokyo (vào tháng 12 năm nay), sau đó tại Confederations Cup (năm 2013) và World Cup 2014”.

Bên cạnh đó, IFAB cũng phê chuẩn sử dụng tổ trọng tài 5 người, trong đó có 2 trợ lý đứng gần vòng cấm địa của mỗi bên. Việc bổ sung thêm 2 trợ lý vào tổ trọng tài truyền thống 3 người trước đây từng được thử nghiệm tại một số giải đấu như Champions League và Euro 2012. UEFA là tổ chức đi tiên phong, với hệ thống trọng tài 5 người tại EURO 2012 nhằm giảm thiểu những pha bóng gây tranh cãi tại vòng cấm địa của mỗi bên, nơi các cầu thủ thường giả vờ ngã để được penalty. 

Công nghệ đường biên sẽ được sử dụng để làm rõ các tình huống tranh cãi, nơi các trọng tài không thể xác định bằng mắt thường khi bóng đã lăn qua đường kẻ trước khung thành hay chưa. Kể từ trước đến nay, có rất nhiều tình huống nhạy cảm, nhất là ở những pha bóng bật xuống từ xà ngang hoặc nảy lên giữa khung thành và được hậu vệ băng về phá ra ngoài. Hàng loạt những vụ tranh cãi như vậy xảy ra gần đây buộc các nhà quản lý bóng đá thế giới phải thay đổi cách nhìn nhận, nhất là trong các trường hợp bàn thắng hợp lệ nhưng không được công nhận. Trường hợp gây tranh cãi nhiều nhất là một tình huống tại World Cup 2010, khi bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard cho đội tuyển Anh vào lưới Đức bị trọng tài từ chối, bất chấp bóng đã qua vạch vôi. Thời điểm đó, Anh đang bị Đức dẫn 2-1, sau đó “Cỗ xe tăng” thắng 4-1. Các nhà bình luận cũng như CĐV sau đó mô tả bàn thắng của Lampard là “bàn thắng ma”.

Theo Tổng Thư ký FIFA 2 hệ thống được IFAB phê duyệt là Hawk-Eye (Mắt diều hâu) - công nghệ đang sử dụng ở các môn thể thao khác như quần vợt và cricke - dựa trên hình ảnh từ các camera, và GoalRef, hệ thống sử dụng từ trường trên sân và trái bóng đặc biệt để xác định một bàn thắng. Các quan chức đã tổ chức một cuộc thi để so sánh sự hiệu quả giữa các hệ thống và chỉ có 2 trong 10 ứng viên ban đầu vượt qua các cuộc sát hạch nghiêm khắc của FIFA. Tuy nhiên, các hệ thống này phải vượt qua cuộc kiểm tra khác trên tất cả các SVĐ mà nó được lắp đặt. 

Anh áp dụng vào đầu năm tới

BTC Premier League sẽ gặp gỡ với các nhà cung cấp hệ thống Hawk-Eye (Mắt diều hâu) và công nghệ xác định bàn thắng GoalRef, để bàn về viễn cảnh sử dụng ngay vào mùa giải tới. Người Anh tỏ ra sốt sắng hơn so với bất cứ ai trong việc áp dụng công nghệ đường biên, sau khi bàn thắng hợp lệ của tiền vệ Frank Lampard tại World Cup 2010 không được công nhận, điều góp phần khiến họ thảm bại 1-4 dưới tay Đức tại sự kiện ở Nam Phi.