Anh vợ giết em rể chỉ vì...cái bếp lò

ANTĐ -Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi nhưng một lúc sau, anh Tùng lại ra nướng lại thịt vì thấy có miếng bị sống, lúc này thì bà Nguyệt hết chịu nổi và bực mình gần như quát lên: "Dẹp cái bếp đi không anh em lại đánh nhau"...

Vụ án "Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động" xảy ra tại một căn nhà trên đường Phạm thế Hiền, quận 8, TP.HCM khiến nhiều người bàng hoàng. Hôm chúng tôi đến, chị K.C vẫn chưa hết nỗi ám ảnh và đau xót khi trước đó đã chứng kiến cảnh chồng mình chết tức tưởi dưới nhát dao oan nghiệt của chính người anh trai của mình, dù biết rằng họ đã từng có những xích mích trong cuộc sống hàng ngày.

Anh vợ giết em rể chỉ vì... lời nhắc của mẹ

Hiện vụ án đau lòng này vẫn đang được cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra làm rõ. Theo đó, đầu giờ chiều 13/4/2012, bà Vũ Thị Nguyệt (SN 1941, ngụ TP.HCM) đến nhà con mình là Nguyễn Đình Kiệt (SN 1968, ngụ 3019/4/12 Phạm Thế Hiển) chơi. Trong con hẻm này ngoài nhà con trai Kiệt, còn có nhà người con trai khác của bà Nguyệt là Nguyễn Đình Tuấn (SN 1960) và gia đình con rể Nguyễn Văn Tùng (SN 1970, ngụ 3019/4/6 Phạm Thế Hiển)... Khi đi ngang qua nhà con rể Tùng (em rể của Kiệt) và con trai Tuấn, bà Nguyệt thấy Tùng đặt bếp lò trước cửa nhà để nấu nướng gây khó khăn cho người qua lại nên nói Tùng đưa vào nhà. Có lẽ người mẹ này không thể ngờ được chỉ vì lời nhắc nhở này của mình đã dẫn đến bi kịch đau thương "huynh đệ tương tàn" (vốn dĩ từ lâu đã có những mâu thuẫn âm ỉ chưa giải quyết được) cho gia đình mình.

Theo chị K.C - vợ của anh Tùng, lúc đó bà Nguyệt - mẹ mình thấy anh Tùng đang nướng thịt thỏ nhậu với bạn (vì nhà của anh Tùng chật chội nên anh này đã lấy 1 bếp than ra con hẻm nhỏ nướng), nên đã buột miệng nói: "Má nói con đừng có buồn nha, con nấu ở đây là má không bằng lòng chút nào đâu, vì còn nhiều nhà anh em nữa!". Anh Tùng phân bua: "Con nướng chút có sao đâu má, anh em mà đâu ai chấp nhặt chuyện cái bếp lò". Nghe thế nhưng bà Nguyệt vẫn ngồi đó và tiếp tục tỏ thái độ không bằng lòng.

Sau đó, chị K.C lại xách ấm nước ra đun, vì chị muốn tận dụng số than còn lại trong lò. Bà Nguyệt lại nói với chị K.C rằng: "Tao ngồi đây xem tụi mày nấu được bao nhiêu ấm nước nữa"... Thay không khí có vẻ căng thẳng, anh Tùng nói: "Má già rồi, đi bán buôn đã cực khổ, má vào nhà nghỉ ngơi đi chớ nói chi ba cái chuyện bếp núc". Do vẫn còn ấm ức chưa được giải tỏa, nên khi đi vào trong nhà Kiệt, bà Nguyệt đã nói lại với Kiệt về chuyện nấu nướng của vợ chồng Tùng, Kiệt bực tức: "Không nên dây dưa với tụi nó (ý nói là vợ chồng anh Tùng - PV) làm gì, tụi nó về hùa với nhau...".

Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi nhưng một lúc sau, anh Tùng lại ra nướng lại thịt vì thấy có miếng bị sống, lúc này thì bà Nguyệt hết chịu nổi và bực mình gần như quát lên: "Dẹp cái bếp đi không anh em lại đánh nhau", khi đó anh Tùng đã có chút rượu trong người nên nổi nóng "trả treo" lại: "Tụi đó mà để con điên lên, con đâm tụi nó xong con chạy ra Bắc luôn". Đứng trong nhà, nghe anh Tùng nói thế, Kiệt liền dắt một con dao trong người đi ra ngoài rồi hất hàm thách thức anh Tùng: "Mày ngon mày chơi tay đôi với tao?", sẵn lúc đang nóng nảy, ngay lập tức anh Tùng lấy cái que xiên thịt thỏ để đánh anh vợ mình, thấy thế chị K.C chạy vào can ngăn và lôi chồng ra, nhưng chưa kịp kéo được chồng và anh mình ra khỏi nhau thì Kiệt đã đâm một nhát vào ngực anh Tùng.

Nhìn xuống thấy máu chảy xối xả nên anh Tùng liền lấy tay bít vết thương lại rồi chạy ra ngoài. Lúc đó hàng xóm và mấy anh trai bên nhà chị K.C đã chạy tới để chuẩn bị đưa anh Tùng đi cấp cứu. Một người cháu của chị K.C đã chạy ra gọi xe cấp cứu, nhưng vì quá hoảng loạn nên không biết gọi số nào, may mắn gần đó có một trại hòm nên người cháu này đã mượn luôn xe đưa tang để chở anh Tùng đi cấp cứu, nhưng mọi chuyện đã quá muộn, anh Tùng đã tử vong khi vừa đến bệnh viện.

Nỗi đau "huynh đệ tương tàn"

Khi tìm đến con hẻm nhỏ nơi vụ án xảy ra, khó khăn lắm chúng tôi mới thấy ngôi nhà của vợ chồng anh Tùng, chị K.C với khuôn mặt thẫn thờ đang ngồi nhìn lên bàn thờ chồng, có lẽ chị cũng không ngờ rằng chồng chị lại có thể chết oan nghiệt dưới bàn tay của anh trai mình. Mà sự việc đâu có gì là nghiêm trọng hay quá đáng đâu...

Chị K.C cho biết chị sinh ra trong một gia đình có bảy người con, chị là con thứ sáu. Nhà chị là dân gốc Sài Gòn nhưng không khá giả gì, hơn nữa lại đông anh em nên chị cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Từ nhỏ chị đã phụ giúp ba mẹ làm thêm để kiếm tiền, vì công việc nặng nhọc lại suốt ngày cặm cụi làm lụng nên đến năm 28 tuổi chị mới quen anh Tùng. Duyên số của anh chị cũng là một câu chuyện dài, anh làm cầu đường gần nhà chị, nên dần dần tình yêu nảy nở. Những ngày đầu cuộc sống vất vả khó khăn, hai anh chị làm hết nghề này đến nghề khác để kiếm sống, từ thợ may, làm thợ hồ nhưng vẫn không dư dả. Cuộc sống đang muôn vàn khó khăn thì thêm đứa con ra đời càng khiến anh chị thêm oằn vai vì cơm áo gạo tiền. Nhưng thật may mắn, mấy năm sau nhờ tìm hiểu qua bạn bè nên anh Tùng đã có mối lấy hàng bán quần áo "sida" ở một bến xe. Vì thế, cuộc sống cũng khấm khá lên, nhưng lúc này chị K.C lại thường xuyên đau ốm nên anh Tùng bảo vợ ở nhà cơm nước, không đi làm nữa.

Trong thời gian này, vì là dân gốc ở đây, có miếng đất lớn nên bà Nguyệt đã phân chia cho bảy đứa con mỗi đứa một căn sát nhau, trong đó vợ chồng chị K.C cũng có phần. Tưởng chừng như anh em ruột thịt ở gần nhau thì thương yêu đùm bọc lẫn nhau mà sống, ai ngờ đây lại là nguồn cơn của mọi sự mâu thuẫn dẫn đến cái chết thương tâm của anh Tùng...

Chị K.C nghẹn ngào kể lại, anh Tùng là người hiền lành chất phác, nhưng có một tật là mỗi khi nhậu vào hay nói nhiều và nói hỗn. Là người dân ngoài Bắc vào Nam sinh sống, lại ở nhờ nhà vợ nên có những lúc anh mặc cảm nên sinh ra tật hay gây sự với vợ. Thay vậy nên anh em của chị K.C, nhất là mẹ chị, không bằng lòng, nên đôi khi trong cuộc sống những chuyên nhỏ nhặt nhất mọi người cũng xoi mói. Chị K.C còn cho biết anh Tùng vốn rất ham ăn thịt thỏ, nhà lại nhỏ nên đưa bếp ra con hẻm nướng cũng không có gì là quá đáng, giá như mẹ chị không vì những chấp nhặt cũ mà có lời nặng nề với anh Tùng, hay những anh em khác mỗi người nín nhịn đi một chút thì đâu đến nỗi.

Điều chị K.C thấy khó xử là bây giờ một bên là mẹ và anh, một bên là gia đình chồng, chị không biết xử sự thế nào cho phải đạo. Của đau con xót, chị gái anh Tùng không kìm được bức xúc đã đến nhà chị làm ầm lên, còn bên mẹ chị chỉ biết im lặng, không một lời nói an ủi nào cho chị vơi bớt nỗi buồn đau. Trong khi đó, gia đình của Kiệt cũng chỉ đến thắp hương mà chưa phụ giúp chị một đồng nào để lo hậu sự cho anh Tùng.

Từ hôm anh Tùng mất, chị K.C như người mất hồn, nhìn hình ảnh đứa con thơ (con gái chị đang học lớp 8) khóc kêu đòi ba mà lòng chị càng đau như cắt và dù chị phải an ủi nó nhưng chính chị lại không thể xoa dịu lòng mình. Thường ngày anh Tùng rất cưng chiều con gái, chăm lo cho bé từng ly từng tí nên con bé rất quấn quýt ba. "Bây giờ mỗi ngày đi học về nhìn lên di ảnh ba, con bé lại khóc, nhìn con mà tôi không làm sao cầm lòng cho được", chị K.C nghẹn ngào.

Nói về đứa con gái này, chị K.C bảo nó đang tuổi ăn học, chị lo rằng mình sẽ không đủ sức khỏe mà nuôi nó ăn học trọn vẹn, vì càng ngày chị càng yếu đi, trong khi đó một ngày công việc của chị chỉ được 50 ngàn cho hai mẹ con thì làm sao đủ sống, nuôi con ăn học. Nhiều đêm chị nằm bên con gái mà nước mắt cứ chảy dài, chị ước giá như gia đình chị biết kìm chế hơn trong những sinh hoạt thường ngày, giá như anh Tùng cũng nhường nhịn đi một chút thì có lẽ giờ con chị không mất cha, anh trai chị không phải bước vào vòng lao lý và chị cũng không phải đau đớn đứng giữa "hai làn đạn" chịu trận mà không biết làm gì. "Mọi chuyện tôi cũng chỉ biết để cho pháp luật giải quyết, chứ tôi chẳng biết nên làm gì cho vẹn toàn giữa đôi bên", giọng chị lạc đi. Nói vậy nhưng có lẽ có một điều chị biết là mình phải cố gắng sống vì đứa con bé bỏng của chị...

Qua sự việc này, một lần nữa cho thấy những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống gia đình, anh chị em với nhau nếu không được giải quyết hay mỗi người phải có ý thức nhường nhìn nhau thì rất dễ dẫn đến những bi kịch đau lòng "huynh đệ tương tàn - nồi da nấu thịt" như câu chuyện này.