Nhu cầu hiện đại hóa lực lượng không quân của Iran hiện là vấn đề cực kỳ cấp thiết đối với quốc gia Hồi giáo này, nhất là khi sức ép quân sự đối với họ vẫn gia tăng.
Tình trạng Không quân Iran hiện nay khá bi đát, chiến đấu cơ mạnh nhất và có số lượng lớn nhất của họ chỉ là những chiếc F-14 Tomcat đã phục vụ được trên 40 năm, đi kèm phi đội F-4 Phantom II và F-5 Tiger thậm chí còn cũ kỹ hơn.
Tehran mặc dù cũng được trang bị một số máy bay do Liên Xô/Nga sản xuất bao gồm MiG-29, Su-24 nhưng đây đều là những phiên bản lạc hậu, tính năng kỹ chiến thuật bị đánh giá thua cả những tiêm kích nguồn gốc Mỹ nói trên.
Các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) từng nhận định sau khi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc được dỡ bỏ, Iran sẽ bắt đầu mua máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên đã 6 tháng trôi qua kể từ khi hạn chế không còn, vẫn chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Tehran sẽ sớm đặt mua một lô tiêm kích đa năng Su-30SM từ Nga để hiện đại hóa lực lượng tác chiến trên không của mình.
Tình huống này trái ngược hoàn toàn với kết luận mà các nhà phân tích đã dự đoán trước đó về thương vụ mua bán vũ khí lớn giữa Iran và các nhà cung cấp đầy tiềm năng.
Trước diễn biến trên, một số chuyên gia quân sự của tạp chí Forbes đã cố gắng giải thích nguyên nhân khiến Iran thất bại trong kế hoạch mua máy bay quân sự từ Nga.
Tờ báo Mỹ viết: “Sức mạnh lực lượng Không quân Iran được tạo thành từ các máy bay chiến đấu lỗi thời, đặc biệt khi so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Saudi Arabia và UAE thì chênh lệch rõ ràng đang là rất lớn”.
Nhiều chuyên gia cho rằng tiêm kích đa năng Su-30SM do Nga sản xuất được coi là sự thay thế hoàn hảo cho phi đội F-14A của Iran đã phục vụ tới hơn 40 năm.
Bên cạnh đó Tehran cũng có thể quan tâm đến JF-17 Thunder của Trung Quốc, khi chi phí dành cho chiếc tiêm kích hạng nhẹ này thấp hơn đáng kể so với chiến đấu cơ hạng nặng của Nga.
“Tuy vậy phân tích của IISS cho thấy Iran sẽ không đủ khả năng mua Su-30SM hoặc Su-35S với số lượng cần thiết để thay thế phi đội F-14 và F-4 của mình”.
“Trước thực tế trên, Tehran có thể mua số lượng hạn chế tiêm kích của Nga và sau đó lấp khoảng trống bằng các máy bay chiến đấu rẻ hơn của Trung Quốc", tác gia của bài báo trên tạp chí Forbes cho biết.
Tạp chí Forbes còn tự tin cho rằng Iran khó có thể thực hiện bất kỳ thương vụ mua sắm vũ khí với giá trị đáng kể nào trong tương lai gần.
Nguyên nhân rất đơn giản đó là họ không có tiền mua máy bay chiến đấu của Nga, trong khi Bắc Kinh không hài lòng với lời đề nghị đổi dầu lấy chiến đấu cơ do họ sản xuất.
Không chỉ có vậy, sự tranh giành ảnh hưởng giữa Moskva và Tehran tại Syria cũng được xem là rào cản lớn khiến Nga chưa thực sự sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ tối tân cho Iran.