Anh tâm thần, bị em đánh chết: Cốt nhục đau thương!

ANTĐ - Vụ án “em đánh chết anh ruột bị tâm thần” (vừa xảy ra ở xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) vì những mâu thuẫn trên bàn nhậu... khiến cho nhiều người đau lòng bởi chuyện “huynh đệ tương tàn”.

Và câu chuyện không dừng lại ở đó khi mọi người biết được hoàn cảnh thê lương của gia đình họ - một nhà có bốn anh em bị tâm thần, cha tự vẫn vì buồn chán do không dạy được con...

Chồng quyên sinh do không dạy được con

Len lỏi qua những con đường hẻm đặc trưng ở vùng miền Tây Nam Bộ chỉ nhỏ xíu vừa một chiếc xe máy chạy một chiều, quanh co bên cạnh những kênh rạch ngang dọc, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Bông ở ấp An Thuận, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam. Vụ việc đau lòng xảy ra ở nhà bà, để lại một dư chấn quá mạnh, khiến người dân cả một vùng phải chấn động, sững sờ.

Vừa bước vào hiên nhà bà, chúng tôi thực sự giật mình khi chứng kiến hình ảnh một thanh niên người khá gầy gò bị xích hai tay, hai chân vào chiếc cột nhà bị lòi lõi sắt nham nhở. Vừa thấy có người lạ, người thanh niên này liên tục nói rất rõ và to những câu vô nghĩa, những tiếng chửi rất “ngọt” và những tiếng cười ré lên nghe rợn người... Thoáng thấy sự ngạc nhiên của chúng tôi, bà Lê Thị Bông (năm nay 65 tuổi, người gầy yếu, da hơi ngăm đen) giải thích, “nó là con trai của thằng mới chết đấy, nó cũng bị tâm thần lâu rồi, tôi phải xích vào đó để nó khỏi đi phá phách hay gây phiền phức cho người khác. Hàng ngày nó cứ dùng ổ khóa ở tay gõ vào khiến cho cái cột nhà chỉ còn trơ lõi sắt...”.

Mới nhìn từ bên ngoài căn nhà của gia đình bà, nhiều người có thể lầm tưởng đây là gia đình “có của ăn của để”, vì dáng vẻ khá khang trang so với những ngôi nhà khác trong ấp. Nhưng thực tế bên trong thì trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá, ngoài chiếc tủ thờ đã bị bể cánh hai bên vì đứa cháu tâm thần đập phá. Đặc biệt, những cánh cửa nhà trên và nhà dưới đều móp méo, bể gãy vì những trận đập phá của con và cháu bà sau những lần họ cãi chửi, đánh lộn nhau. Đúng như lời bà nói, có người bảo nhà bà “chỉ có vỏ chứ không có ruột”, dù cái vỏ nhà đã phần nhiều hư hại.

 

Ngồi nghe bà kể về hoàn cảnh “trăm đắng ngàn cay” và những đau thương của gia đình, thực sự chúng tôi có cảm giác chua chát, không hiểu tại sao trên cõi đời này lại vẫn có những cảnh đời trái ngang đến vậy.

Vợ chồng bà có tất thảy bảy người con, bốn trai ba gái nhưng người con trai thứ ba - tính theo cách tính thứ bậc của người miền Nam - đã mất từ lúc 4 tuổi), do hoàn cảnh khó khăn nên hầu như tất cả các con bà đều không được ăn học đàng hoàng. Cái nghèo, cái khó, không được học hành đã khiến bốn người con trai của vợ chồng bà trở nên hư hỏng, khó dạy, hơn nữa họ lại dính vào những tệ nạn khó dứt đó là rượu chè và cờ bạc... Tình cảnh còn bi đát hơn khi người chồng của bà uống thuốc trừ sâu tự vẫn vì buồn chán chuyện nhà, chán vì không thể dạy bảo con cái, để chúng quá hư hỏng.

Bà buồn tủi tâm sự: “Chồng tôi đã chết cách đây hơn hai chục năm rồi, tôi ở một mình cùng với đàn con nheo nhóc. Sau khi thằng Phụng (Đỗ Văn Phụng - người con thứ bảy) đánh chết thằng Mến (Đỗ Văn Mến - người con thứ tư), thằng Phụng bị bắt, giờ ở nhà chỉ còn tôi, thằng con trai thứ hai, đứa con gái út và thằng cháu nội - con trai của Mến - bị tâm thần (trước đó người con trai thứ sáu bị tâm thần cũng đã mất vì bệnh tiểu đường - PV). Mọi chi tiêu trong nhà giờ gần như chỉ dựa vào mỗi đứa con gái thứ năm (42 tuổi, chưa có gia đình riêng) đang đi làm giúp việc cho người ta ở trên Sài Gòn, còn thằng con trai thứ hai (47 tuổi) thì dù đi vác gạo thuê ngày được mấy chục ngàn, nhưng nó cũng tiêu xài hết, thậm chí còn về xin tiền, mang dừa ở nhà đi bán lấy tiền tiêu, rồi chơi bài bạc này kia, chứ cũng chẳng giúp được gì. Trong khi đó, đứa con gái ở nhà thì cũng bệnh tật èo uột chẳng làm được việc gì cả”.

Nhắc đến chuyện buồn về hai người con trai bà mới xảy ra, trong hơi thở khó nhọc vì căn bệnh tim, bà xót xa kể: “Trước đó tôi cũng không biết rõ sự việc ở Ngãi Đăng, chỉ biết là sau khi bị đánh, người ta đưa thằng Mến về trạm y tế xã khám chữa. Nhưng khi mấy anh công an về, nó cũng ra về, đi được một khúc đường ngắn thì nó nằm xỉu ngay bên lề đường. Hàng ngày tôi thường đi chùa, lúc đó tôi về đến đầu ấp đã nghe mấy người đầu chợ bảo bà đi nhanh để đưa con bà về. Gặp nó, tôi thấy nó thở dốc dữ lắm, tôi dìu nó về được một khúc đường, nó lại bị xỉu nữa, may lúc đó gặp một thanh niên trong xóm cùng với tôi đưa con tôi về... Lúc đầu tôi cứ nghĩ nó mệt và xỉn rượu như thường ngày, hay bị trúng gió thôi, chứ tôi cũng không biết nó bị em nó đánh...

Sau đó tôi mới biết sự tình ở Ngãi Đăng, thằng Phụng vừa đi mua rượu về thì thằng Mến chụp lấy uống trước, rồi hai đứa gây sự qua lại, thằng Phụng đã đánh anh nó, sau đó còn xô thằng Mến xuống mương. Sau mấy lần bị em mình đánh rồi lại xô xuống mương, thằng Mến mệt, đau, nên mới leo lên giường nhà người ta nằm, không hiểu thế nào nó bị sập, rồi thằng Phụng tiện tay lấy cây thanh giường tiếp tục đánh anh nó...”.

Theo bà Bông thì hai anh em Mến và Phụng có tật nghiện rượu, trong cuộc sống thường ngày đã rất nhiều lần anh em cãi chửi nhau, đánh nhau. Trước đó khá lâu có lần do lời qua tiếng lại Mến đã chọi em mình rách một đường trên đầu phải khâu bảy mũi. Chính vì thế cứ mỗi lần bị nhức đầu là Phụng lại chửi bới anh mình “mày hại tao như vậy thế nào tao cũng điên”. Và quả thật bà Bông cũng sợ rằng không sớm thì muộn, Phụng sẽ lại mắc bệnh tâm thần như mấy người anh em của mình (!).

Nhà có 4 người điên?

Có lẽ chuyện gia đình bà có tới bốn người con, cháu bị bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người khó hiểu, bởi bà bảo con cháu bà không phải tự nhiên mắc bệnh mà xuất phát từ những nguyên nhân khác (?). “Thằng Mến là con thứ tư trong bảy anh em, nó lập gia đình 19 năm rồi, có một đứa con trai, chẳng bao lâu sau khi biết đứa con này cứ bệnh tình liên miên (người con của Mến bị tâm thần năm nay cũng đã 18 tuổi), vợ nó cũng bỏ đi biệt tăm. Có lần, thằng Mến say xỉn đã bị xe đụng, phải nằm viện cả tháng trời, chính lần đó đã khiến thần kinh của nó bị ảnh hưởng rồi trở nên không bình thường”, bà Bông giãi bày.

Bà Bông kể rằng, người con thứ hai bị tâm thần là do có thời gian theo cậu lên thành phố sửa xe máy rồi bị té xe đến bể đầu và chấn thương nên thần kinh rối loạn; còn anh con trai thứ sáu (đã mất trước đó) cũng bị điên do khi làm ở lò nấu đường bị người ta chọi một cái hũ vào đầu (?). Đặc biệt đứa cháu nội của bà mắc bệnh nặng nhất, bị bệnh từ nhỏ, hoàn toàn điên loạn đến mức phải xích cả tay lẫn chân. Tuy nhiên, ông trưởng ấp lại cho rằng, bệnh tình của cháu bà Bông bắt nguồn từ những trận đánh đập thường xuyên của người cha - chính là Mến - và những người chú của nó (?).

Cả gia đình toàn người bệnh không làm được gì, ngược lại khi bệnh tật những người con trai của bà còn ăn nhậu bê tha, cờ bạc, đánh chửi nhau... khiến cho tình cảnh gia đình bà càng thêm túng quẫn. “Ngoài tiền, gạo con gái đi làm ở thành phố gửi về, cả nhà tôi chỉ trông chờ vào vườn dừa 2,7 công đất, ngoài ra không còn nguồn thu nhập nào khác, vậy nhưng thằng Hai cũng lấy dừa bán hết để có tiền đánh bài. Hôm lo chuyện hậu sự cho con, tôi không có tiền, đứa con gái phải mượn ứng trước tiền công nhà người ta được hai triệu, rồi bà chị đưa hai triệu, thằng em đưa thêm một triệu mà tôi gấp quá không hỏi là nó cho luôn hay cho mượn. Gần đây khi biết tình cảnh nhà tôi, chính quyền xã cũng có trợ cấp cho ba người bị bệnh mỗi người được 270 ngàn/tháng, với số tiền này nếu tôi giữ được cũng lo được đôi chút, còn nếu không lại bị mấy thằng con trai lấy ăn nhậu hết.

Tôi làm mẹ nhưng không thể nào dạy bảo được đám con, chúng ăn nhậu, cờ bạc, đánh chửi nhau, có khi có đổ máu. Tụi nó cứ có rượu vào là rất hỗn láo, ngoài chửi mẹ, chúng còn chửi bới cả mấy người chú đến nỗi họ ghét chẳng thèm đếm xỉa gì tới. Thật sự nhiều khi tôi cũng muốn tự vẫn chết luôn cho rồi...”, bà Bông cố kìm giữ những giọt nước mắt đang chực trào ra.

 

Nghe những tâm sự đau xót của bà, chúng tôi chợt có cảm nhận “vừa giận vừa thương”; giận vì giữa cái nghèo cái khó, ông bà lại sinh cả một bầy con nheo nhóc, rồi lại không lo được chuyện ăn học cho chúng, để chúng lớn lên như những cây cỏ dại. Đến khi không dạy bảo được con, chồng bà lại chọn cách tiêu cực để phần khổ lại cho vợ, cho con...; thương vì sống làm người nhưng gia đình bà lại gặp phải quá nhiều nỗi đau khổ nhân gian. Nhưng suy đi nghĩ lại mọi chuyện cũng bắt nguồn từ chính gia đình bà, âu cũng là điều dễ hiểu, bởi số phận do chính chúng ta tạo nên!

Theo điều tra ban đầu của Công an tỉnh Bến Tre, vụ án xảy ra vào lúc 13h ngày 28/2/2012 tại ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam. Theo đó, hai anh em Đỗ Văn Mến (SN 1969) và Đỗ Văn Phụng (SN 1976) (cùng ĐKTT tại ấp An Thuận, xã An Thới, huyện Mỏ Cày Nam) uống rượu tại nhà ông H.V.T (SN1949) ở ấp Phú Đăng, xã Ngãi Đăng. Trong lúc uống rượu, giữa Phụng và Mến phát sinh mâu thuẫn trong lời nói nên Phụng lấy cây thanh giường của nhà ông T. đánh vào người, vào đầu của Mến, sau đó đẩy Mến xuống mương. Khi Mến bò lên bờ thì Phụng tiếp tục xô Mến xuống. Ngay khi vụ việc xảy ra, người dân đã báo lực lượng công an và đưa Mến đi cấp cứu ở Trạm y tế xã An Thới. Nhưng sau đó Mến bỏ về nhà. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, Mến đã chết tại nhà do chấn thương sọ não. Hiện vụ việc đang được Phòng CSĐT TP về TTXH Công an tỉnh Bến Tre tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.

Ông Trần Văn Chính, Trưởng ấp An Thuận, xã An Thới, cho biết: “Chuyện vừa xảy ra với hai con bà Bông có lẽ do nhậu quá xỉn nên chúng mới không làm chủ được bản thân gây nên đánh nhau mất mạng. Thực tế thì trước giờ mấy đứa con trai của bà Bông ăn nhậu thường xuyên rồi cũng có nhiều lần xô xát với nhau. Chính vì buồn chuyện các con cái hư hỏng mà chồng bà Bông hồi đó là chi hội trưởng nông dân ở ấp, đã uống thuốc trừ sâu tự tử. Ngay như bà Bông cũng chán cảnh con cái hỗn láo, thậm chí còn thường xuyên chửi bới, đánh đập bà, nên bà ấy cũng đi tối ngày, ít khi có ở nhà.

Còn đứa cháu trai do bệnh tâm thần khá nặng nên mới bị nhà bà ấy xích vào cột nhà, nếu không xích nó sẽ đập phá và đi quấy rầy người khác... Tôi được biết đứa cháu này mắc bệnh cũng vì chính người cha và mấy người chú của nó đánh đập thường xuyên đến nỗi hóa điên. Hiện gia đình bà ấy đang tìm hiểu thủ tục để gửi cháu vào bệnh viện tâm thần chữa trị.

Ở xã này có lẽ bà ấy là người có hoàn cảnh khổ nhất, nhiều lần tôi muốn vận động để đưa gia đình bà ấy vào danh sách hộ nghèo nhưng khi bỏ phiếu thì lại không được vì nhiều người ở địa phương thấy rằng mấy người con trai của bà toàn ăn chơi, phá phách, không hề làm ăn gì cả nên họ không đồng ý cho hỗ trợ. Tuy nhiên, trước khi xảy ra sự việc giữa hai đứa con của bà Bông thì chúng tôi biết gia đình bà có tới ba người (không kể người con thứ sáu bị tâm thần đã mất trước đó) bị mắc bệnh tâm thần. Chính quyền địa phương cũng đã có sự trợ cấp hàng tháng cho gia đình bà để nuôi ba người bệnh đó”.