Báo chí Nga vừa đăng tải thông tin cho biết, máy bay chiến đấu đa năng hai chỗ ngồi Su-30SM của nước này đã bay qua một tàu chiến NATO gần quân cảng Tartus tại Syria. Loại tàu hiện chưa được xác định, cũng như quốc tịch cụ thể của nó.
Điều đáng chú ý trong sự kiện vừa diễn ra là tiêm kích Nga được trang bị 2 tên lửa chống hạm tầm trung chiến thuật Kh-31A, vũ khí này có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho tàu chiến đối phương trong trường hợp nổ ra xung đột.
Được biết đây đã là vụ đụng độ thứ hai giữa tiêm kích Su-30SM của Nga và tàu Hải quân NATO, sự kiện trước đó diễn ra vào tháng 1 năm nay, khi đó chiến đấu cơ Nga cũng mang theo tên lửa Kh-31A.
Việc Quân đội Nga huy động tiêm kích Su-30SM mang tên lửa Kh-31A rõ ràng nhằm gửi thông điệp cứng rắn tới NATO, bởi sức răn đe của bộ đôi này mạnh hơn hẳn máy bay ném bom tiền tuyến Su-24M mang theo bom không điều khiển.
Dựa trên thông số kỹ chiến thuật của vũ khí, chỉ cần một quả tên lửa Kh-31A bắn trúng là đủ để vô hiệu hóa tàu chiến NATO, còn trong trường hợp phóng 2 quả đạn thì đảm bảo đối phương phải nhận thiệt hại nặng nề, thậm chí bị tiêu diệt.
Kh-31A (NATO gọi bằng cái tên AS-17 Krypton) là một loại tên lửa phóng từ trên không để chống tàu mặt nước của Nga, được trang bị cho các máy bay tiêm kích hiện đại thuộc dòng MiG-29 Fulcrum hay Su-27 Flanker.
Tên lửa có chiều dài 4,7 m; đường kính thân 0,36 m; tầm bắn 50 km; mang đầu đạn trọng lượng 94 kg và có khả năng đạt vận tốc tối đa Mach 3,5. Đây cũng là tên lửa chống hạm siêu âm đầu tiên được trang bị cho máy bay chiến thuật.
Kh-31 có một vài biến thể trong đó biến thể nổi tiếng nhất là tên lửa chống radar (ARM) Kh-31P. Hiện nay Kh-31 cũng được xem xét phát triển một biển thể không đối không tầm xa, nhằm trở thành "kẻ tiêu diệt AWACS".
Sức mạnh đầu đạn của tên lửa Kh-31A đủ sức vô hiệu hóa một chiến hạm cỡ lớn, Trong khi đó phiên bản tăng tầm Kh-31AD kéo dài tầm bắn lên tới con số 160 km, khiến máy bay có thể ra đòn từ cự ly rất xa.
Trong một số cuộc diễn tập, hệ thống phòng không hạm tàu của Mỹ đã bắn trượt toàn bộ các bia bay mô phỏng tên lửa Kh-31A, điều này cho thấy Hải quân NATO có lý do để lo ngại khi nhìn thấy biên đội tiêm kích Su-30SM mang theo vũ khí trên.
Nhưng bất chấp diễn biến mới, giới quan sát cho rằng tình hình thực địa tại Biển Địa Trung Hải vẫn tương đối yên tĩnh và trong tầm kiểm soát, không có nguy cơ bùng phát giao tranh.
Hơn ai hết, các bên đều hiểu rõ hậu quả nếu có hành động bột phát, trong trường hợp chiến hạm NATO bị đánh chìm hay máy bay Nga bị bắn rơi đều có thể dẫn tới chiến tranh tổng lực giữa những cường quốc hạt nhân.
Việc biểu dương lực lượng của Nga có lẽ chỉ nhằm mục đích chứng tỏ mình vẫn là "chủ nhà", khi nắm quyền chi phối cuộc chơi tại khu vực Biển Địa Trung Hải gần căn cứ hải quân Tartus.
Về phần Hải quân NATO, họ chắc chắn vẫn sẽ hiện diện liên tục sát căn cứ quân sự của Nga, nhưng sẽ kiềm chế ở mức cao nhất, kể cả khi bị biên đội máy bay đối phương sử dụng như đối tượng diễn tập tấn công.
Điều cần lưu ý nữa đó là trong những lần đối đầu tương tự, thiệt hại thường thuộc về phía Nga, khi đã có máy bay của họ lúc hạ thấp và thực hiện động tác nhào lộn nguy hiểm nhằm uy hiếp tinh thần đối phương thì phi công đã gặp sai sót và lao xuống biển.