Hãng thông tấn TASS đưa tin, vào hôm 21/5, một sự cố bất ngờ đã xảy ra với chiếc tiêm kích Su-30SM tại sân bay Saki ở Crimea, khi các nhân viên kỹ thuật đang chuẩn bị cho máy bay chiến đấu cất cánh.
Khi đó hệ thống ghế phóng cứu hộ của tiêm kích Su-30SM đang đỗ trên mặt đất bất ngờ hoạt động, trong khi cả hai phi công đều đã ở trong buồng lái.
Kết quả của sự cố là cả hai phi công đều bị đẩy khỏi khoang lái, rất may họ đã sống sót và không gặp thương vong, trong khi nhân viên kỹ thuật bị bỏng. Thông tin chi tiết về vụ việc không được thông báo.
Cơ quan báo chí của Quân khu phía Nam đã xác nhận sự việc này, nhưng cũng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
"Ngày 21/5, trong quá trình chuẩn bị cho chuyến bay của máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM tại sân bay Saki đã xảy ra sự cố bất thường của hệ thống ghế phóng”.
“Không ai bị thương do hậu quả sự cố nói trên, cả hai phi công đều còn sống, hiện ủy ban điều tra đang tìm hiểu nguyên nhân", dịch vụ báo chí của Quân khu phía Nam thông tin.
Điều cần lưu ý thêm, đây đã là thông báo thứ hai về hoạt động bất thường của hệ thống ghế phóng cứu hộ phi công kể từ đầu năm nay.
Vào ngày 23/3, khi công tác chuẩn bị cho máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đang tiến hành tại sân bay ở vùng Kaluga, ghế phóng cứu hộ cũng bất ngờ bị kích hoạt, hậu quả khiến 3 thành viên trong tổ lái thiệt mạng, 1 người còn sống.
Theo giới chuyên môn nhận định, sự cố về hệ thống phần mềm kiểm soát nhiều khả năng dẫn tới những sai sót nói trên, đặc biệt khi các chiến đấu cơ này đang được hiện đại hóa với những thiết bị điện tử kỹ thuật số thay vì công nghệ analogue .
Về tiêm kích đa năng Su-30SM, đây là trường hợp "nội địa hóa ngược" điển hình của Nga, nó được chế tạo dựa trên cấu hình của Su-30MKI xuất khẩu cho Ấn Độ, chính thức phục vụ từ năm 2012.
So với Su-30MKI thì Su-30SM sử dụng hệ thống điện tử hàng không thuần chất Nga chứ không "cấy ghép" thêm nhiều thiết bị có nguồn gốc Pháp hay Israel như máy bay Ấn Độ.
Điều này mặc dù phần nào có thể gây ảnh hưởng tới sức chiến đấu nhưng lại đảm bảo tốt hơn cho công tác bảo dưỡng, duy trì hệ số kỹ thuật cho máy bay.
Các thành phần cốt lõi của chiếc tiêm kích đa năng này cũng tương tự với Su-30MKI của Ấn Độ, đầu tiên là radar mảng pha quét thụ động N011M BARS.
Radar N011M BARS là thế hệ trước của N035 Irbis lắp trên Su-35S, nó cũng có tầm trinh sát tối đa 400 km nhưng kém nhạy hơn với vật thể bay có diện tích phản xạ radar nhỏ.
Động cơ của Su-30SM là loại kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC) AL-31FP, nó thua kém một chút so với loại AL-41F1S 3D TVC của Su-35S.
Nhưng nhờ sự kết hợp cùng cánh mũi mà tiêm kích đa năng Su-30SM vẫn có khả năng thực hiện các động tác thao diễn linh hoạt chẳng thua kém Su-35S là bao.