"Anh giáo làng" và cuộc chơi của sợi

ANTĐ - Chỉ toàn sợi là sợi, những sợi dệt đủ màu được quấn loằng ngoằng choán hết cả không gian, đó là những gì Nguyễn Duy Mạnh bày ra cho người xem trong triển lãm đầu tay “Không gian bên trong”. Nghe có vẻ lập dị nhưng hóa ra, cuộc chơi của sợi lại là một ý tưởng giản dị xuất phát từ một nghệ sỹ “sinh ra từ làng”. 

"Anh giáo làng" và cuộc chơi của sợi ảnh 1Nghệ sỹ Nguyễn Duy Mạnh

Ý tưởng đến tình cờ

Thoạt nhìn, “Không gian bên trong” của Nguyễn Duy Mạnh giống như một “ma trận” của sợi. Các sợi đen được giăng mắc như những chiếc mạng nhện, kéo từ trên trần nhà xuống bậu cửa. Ở giữa chúng được đan cài như chiếc võng để đỡ những khối đủ hình thù, được bện bằng các loại sợi nhiều màu sắc. Đương nhiên, để đi tham quan triển lãm này, người ta không còn cách nào khác là phải luồn lách qua các sợi dây. Nhiều khách nước ngoài ban đầu bước vào đây chỉ vì hiếu kỳ, nhưng khi được ngắm trực tiếp tác phẩm nghệ thuật này thì lại tỏ rõ vẻ thích thú.

Để tạo ra “bản giao hưởng của sợi” tại không gian của Bảo tàng Mỹ thuật, Nguyễn Duy Mạnh và những đồng sự của anh chỉ mất có 2 ngày. Nhưng để chuẩn bị cho nó, anh đã lên kế hoạch và phác thảo từ trước đó những… 2 năm. 

Ý tưởng về việc dùng sợi làm chất liệu cũng hết sức tình cờ. Anh tâm sự: “Quê tôi ở xã Yên Đồng (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có nghề phân loại sợi vải, gia công hàng tiêu dùng. Một lần đến nhà của một người anh, có một xưởng lớn thu mua nguyên vật liệu, phế liệu sợi vải, tôi bèn nghĩ, sợi nhiều thế này, sao mình không tận dụng  để sáng tác”.

Sợi thì có nhiều loại, nhưng sợi Nguyễn Duy Mạnh dùng chủ yếu là sợi dệt, có độ co giãn và độ dai nhất định, để được lâu mà không hỏng trong điều kiện bình thường. Thế là từ đó anh quyết định đi khắp nơi gom góp, nhặt nhạnh về nhà để làm. Tưởng là nhẹ nhàng nhưng chuỗi ngày sáng tác với sợi là lúc anh lao động cật lực.

Vì mắc sợi là anh tự bắc thang, leo trèo nên lúc nào chân tay cũng rã rời, chân tay bải hoải vì hết leo lên lại phải leo xuống để ngắm nghía xem bố cục đã ổn hay chưa. Nghe đâu, để chuẩn bị cho cuộc triển lãm, anh đã phải sử dụng tới… 360kg sợi.

Có câu chuyện vui là những người dân làng khi thấy anh gom sợi thì nghĩ “thằng này lẩm cẩm”, chứ chẳng nghĩ là để làm nghệ thuật sắp đặt gì đó.  

Sáng tạo từ nông cụ phế phẩm

Đúng như nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông từng nhận xét, Nguyễn Duy Mạnh vừa là nghệ sỹ, vừa là một “anh giáo làng”, bởi anh luôn luôn nghĩ ra cách để thổi hồn cho những vật liệu quen thuộc từ làng quê.

Trước “Không gian bên trong”, Nguyễn Duy Mạnh từng giới thiệu một tổ hợp sắp đặt gồm toàn những nông cụ phế phẩm trong Festival Mỹ thuật Trẻ 2014. Nào là cày, là liềm, là bồ cào, là những cái ghế, cái bát… tất cả đều gãy, nứt vỡ, tóm lại là chẳng có cái nào nguyên vẹn, được anh buộc chặt trong các sợi vải tổng hợp treo lơ lửng.

Hỏi ra mới biết, tác phẩm kỳ lạ ấy lại thổn thức một bi kịch có thật ở làng quê, trong đó có quê hương của anh, khi mà người dân đã bỏ nghề nông, đã vứt đi cái cày, cái cuốc để lên thành phố tìm việc làm. Với một cậu bé cả tuổi thơ lớn lên nhìn thấy bàn tay của cha chai sạn vì công việc đồng áng, thấu hiểu từng giọt mồ hôi rơi trên những cánh đồng oi ả… thì đó gần như là một nỗi buồn thấu tâm can.

Đến bây giờ, khi đã trở thành một nghệ sỹ, anh vẫn không tách mình ra khỏi đời sống nông thôn. Là cuốc, xẻng, hay là sợi, là dây…  tượng trưng cho sự biến đổi ở làng quê trước sự vận động của đời sống công nghiệp hóa, cũng là những câu chuyện của niềm vui, của nỗi buồn, cả những hoang mang, hỗn độn bên trong tâm hồn người nghệ sỹ. 

Có một điều đáng trân trọng ở Nguyễn Duy Mạnh đó là dù chưa bao giờ được đào tạo chính quy trong một ngôi trường nghệ thuật, phải bỏ dở nghệ thuật, học chuyên ngành khác để kiếm sống, nhưng duyên số vẫn dẫn dắt anh tới nghệ thuật.

Sau 10 năm lao động miệt mài, Nguyễn Duy Mạnh đã có được “trái ngọt” đầu tiên của mình, dù rằng để có được nó anh đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. Đây có thể mới chỉ là điểm khởi đầu, nhưng lúc này “anh giáo làng” đã có thể hài lòng với cuộc chơi của mình, “cuộc chơi của sợi”.

Triển lãm “Không gian bên trong” được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) đến ngày 23-7-2016.