Các nhà báo từ ấn phẩm Defense24 của Ba Lan cho rằng, phía Nhật Bản có thể thu thập dữ liệu về tiêm kích Su-30MKI đang phục vụ trong Không quân Ấn Độ. Theo quan điểm của họ, điều này sẽ được thực hiện trong cuộc tập trận chung diễn ra vào cuối năm 2021.
Những đặc điểm chính mà người Nhật quan tâm sẽ là phạm vi bay, mức tiêu thụ nhiên liệu, khả năng cơ động, cũng như phương pháp duy trì hoạt động và thời gian cần thiết để máy bay cất cánh.
Ngoài ra Tokyo sẽ theo dõi đặc thù cấu trúc bên trong máy bay, hành động có thể bị Điện Kremlin xem là mối nguy tới an ninh vì từ đó bí mật của Su-30SM sẽ bị nhận diện. Tuy nhiên Giám đốc thương mại tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" - ông Alexei Leonkov đã bác bỏ điều này.
Lý do là bởi các thông số trên đã nằm trong phạm vi công khai, đặc biệt là phạm vi bay và mức tiêu hao nhiên liệu. Phần còn lại, theo chuyên gia quân sự Nga, cần phải tính đến việc tiêm kích xuất khẩu cho Ấn Độ có sự khác biệt đáng kể so với Su-30SM.
“Su-30MKI là phiên bản xuất khẩu của Su-30SM, tuy nhiên tất cả mọi sản phẩm thương mại đều không có bất kỳ lợi thế nào so với máy bay của chúng tôi. Chỉ khi Nhật Bản tháo rời nó mới có thể tìm ra điều gì đó hữu ích cho mình”, ông Leonkov nhấn mạnh.
Ông Leonkov nói thêm, thay đổi được thực hiện đối với tất cả các loại máy bay xuất khẩu để tránh bị giải mật thông tin. Su-30MKI là mẫu tiêm kích phù hợp với nhu cầu của Không quân Ấn Độ, vì vậy thông tin của nó sẽ vô ích đối với Nhật Bản:
“Phần bên trong chiếc tiêm kích sản xuất cho quân đội của chúng tôi khác rất nhiều so với máy bay chiến đấu đang phục vụ trong Không quân Ấn Độ, nó được thiết kế để đối tác có thể triển khai vũ khí của họ, chẳng hạn như tên lửa BrahMos nổi tiếng".
"Tuy nhiên vũ khí trên lại không thể đưa lên Su-30SM của Nga. Có nghĩa là người Nhật không thể tìm được bất kỳ bí mật quan trọng nào, và mọi nỗ lực để tìm ra ít nhất điều gì đó sẽ kết thúc trong thất vọng".
Trong cuộc tập trận, Nhật Bản có thể nghiên cứu tín hiệu radar từ các góc độ tấn công khác nhau, vì họ sẽ ở bên cạnh trong mọi chuyến bay. Tuy nhiên ông Leonkov lưu ý ngay cả trong tình huống này, Tokyo cũng không thể tìm ra thông tin mới về tiêm kích Nga.
"Về phương tiện vô tuyến và thiết bị điện tử trên máy bay, đương nhiên trên Su-30SM của chúng tôi có máy trả lời tự động, cấu tạo và nguyên lý hoạt động của chúng là một bí mật lớn. Nhưng các tiêm kích xuất khẩu hoàn toàn không có nó".
"Tôi nhắc lại, Ấn Độ lắp ráp một phần máy bay chiến đấu này, tức là họ đang hoàn thiện nó. Và theo lẽ tự nhiên, tất cả hệ thống điện tử ở đó đều là của riêng Ấn Độ, không có điểm tương đồng thiết bị của Nga”, nhà quan sát quân sự nói.
Sự quan tâm của Quân đội Nhật Bản có thể còn là động cơ phản lực AL-31FP với véc tơ lực đẩy có kiểm soát, đảm bảo khả năng siêu cơ động của máy bay, nhưng điều này cũng sẽ không mang lại lợi ích cho họ.
“Ngay cả người Trung Quốc, khi nhận được Su-30MKK đã cố gắng tạo ra một sản phẩm tương tự, nhưng họ không thể sao chép động cơ. Tại sao người Nhật có thể làm được điều này? Hơn nữa về nguyên tắc, họ không cần nó".
"Không quân Nhật Bản hiện nay đang sử dụng các máy bay chiến đấu F-35 và F-16 của Mỹ, và Tokyo không cần các đặc tính sức mạnh của máy bay chiến đấu của chúng tôi. Còn những bí mật khác thì không thể khám phá".
"Người Nhật đơn giản là không thể làm gì, thậm chí còn lãng phí sức lực cũng như tài nguyên và thời gian của họ nếu cố gắng tìm hiểu Su-30MKI để mong thu được bí mật trên Su-30SM”, ông Alexey Leonkov kết luận.