“Ăn vào” thiên nhiên

ANTĐ - Tại cuộc hội thảo du lịch ở một tỉnh duyên hải miền Trung, khi chủ nhà “khoe” tiềm năng du lịch với những điểm đến hấp dẫn và kỳ thú, thì Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thẳng thắn phát biểu rằng, nên chấm dứt tự hào về tiềm năng theo kiểu AQ. Cái chính là biến tiềm năng thành hiện thực, thành của cải. Không thể cứ “ăn” mãi vào quà tặng của thiên nhiên và lịch sử. Muốn lấy tiền của thiên hạ thì mình phải dốc hầu bao đầu tư và mở lòng đón khách. Một đại biểu đồng tình nói, chẳng những “ăn vào” thiên nhiên mà còn phá hoại bởi “sự dốt nát chân thật” khi chỗ nào cũng bê tông hóa thiên nhiên.

Năm nào du lịch Việt Nam cũng tăng trưởng hai con số. Năm 2011, du lịch Malaysia dự kiến tăng thêm 3 triệu khách, gần bằng 60% tổng lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Còn Singapore tăng bằng 80% tổng lượng khách của nước ta. Nên nhớ Việt Nam có tới 10 di sản thế giới, Malaysia thì có 3 và Singapore là số không.

Trong khi các nước lập hồ sơ di sản thế giới phải bỏ ra cả chục năm chuẩn bị, nâng cấp dịch vụ, cải tạo hạ tầng, đào tạo nhân lực và có kế hoạch cụ thể đón khách, thì Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và những di sản phi vật thể “bỗng nhiên” được công nhận di sản văn hóa thế giới mà vẫn loay hoay chưa biết khai thác ra sao. Malaysia và Singapore là hai nước nhỏ nhưng có cả một chiến lược phát triển du lịch, trở thành đối thủ lăm le soán ngôi thứ hai của Thái Lan.

Du lịch Việt Nam dù tăng trưởng nhưng thiếu ổn định, khách quốc tế tăng chủ yếu từ Trung Quốc, Campuchia sang ngắn ngày như khách vãng lai, chi tiêu còn dè xẻn hơn cả khách trong nước. Trào lưu người Việt đi du lịch sang Singapore, Malaysia, Thái Lan, nhất là các nước châu Âu, Mỹ, không chỉ vì lắm tiền mà còn chứng tỏ họ “quay lưng” với du lịch nội địa. Khỏi phải bàn về dịch vụ kém cỏi, đã thế lại cục bộ, mạnh ai nấy làm, thiếu sự hợp tác.

Giám đốc một công ty du lịch có tiếng cho rằng, việc đầu tiên mà ngành du lịch cần làm ngay, làm mạnh là “dọn dẹp” nhà cửa cho sạch. Du lịch mọc lên như nấm không chỉ từng địa phương, từng thành phố, thậm chí từng khu phố. Tỉnh nào cũng đua nhau mở lễ hội theo một kịch bản có sẵn, vừa tốn kém lại kém hấp dẫn. Cơ quan quản lý Nhà nước vốn đã không “khỏe mạnh” gì lại còn “ôm” quá nhiều. Hơn chục năm nay, hội nghị tổng kết ngành du lịch đều liệt kê những bức xúc diễn ra triền miên mà không có cách nào “hóa giải” nổi như ăn xin và móc túi, bán hàng rong và đeo bám du khách, “chặt chém” không thương tiếc, không có nơi vui chơi, giải trí, không có hàng lưu niệm đặc trưng của địa phương.

Trong 8 tháng đầu năm nay, cả nước đón gần 3,43 triệu lượt khách quốc tế, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số khách đến Việt Nam, có khoảng 1 triệu lượt đến từ hai nước láng giềng Campuchia và Trung Quốc. 8 thị trường còn lại gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, Đài Loan, Australia, Malaysia, Pháp và Singapore chỉ chiếm khoảng 1,6 triệu lượt khách.

Giám đốc một công ty du lịch cho rằng, nếu chỉ có giới thiệu điểm đến với những di sản “trời cho”, nói đến bờ biển, bãi tắm đẹp hay các danh lam thắng cảnh thì ngành du lịch nước ta vẫn chủ yếu là “ăn vào” quà tặng của thiên nhiên và lịch sử. Nói một cách thẳng băng là làm theo kiểu “ăn xổi”, mà “ăn xổi” thì không thể lâu dài được.

Tin cùng chuyên mục