“Ăn vạ” - họa liền thân!

ANTĐ - Thay vì các phương thức được xem đã cũ như gửi vòng hoa, ném chất bẩn hay nhắn tin để giải quyết các giao dịch dân sự, nhiều trường hợp hiện nay có “xu hướng” thuê đối tượng côn đồ, dân “anh chị” đến tận nhà “đối tác” để ăn vạ hay dằn mặt. Hiệu quả chưa biết đến đâu, nhưng chắc chắn, người đi thuê và những đối tượng… ăn vạ thuê có thể bị xử lý hình sự, hoặc  bị nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Nạn nhân Trần Việt Hưng tại buổi đến nhà Vũ Thanh Tùng, trưa 7-7

(ảnh cơ quan công an cung cấp) 

Bị dồn đến chân tường

Có thể thấy, vụ án mạng xảy ra tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, trưa 7-7 được xem là điển hình của hiện tượng “thuê”, “nhờ” người đi giải quyết khúc mắc trong giao dịch dân sự. Đối tượng gây án là Vũ Thanh Tùng, SN 1975, trú tại số 9 phố Hàn Thuyên. Người bị sát hại là Trần Việt Hưng, SN 1979, có 2 tiền án, nhà ở quận Long Biên.

Theo thông tin của cơ quan chức năng, một phần ngôi nhà của Tùng đứng tên mẹ đẻ của anh ta, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời gian gần đây, mẹ Tùng đã làm thủ tục chuyển nhượng nhà và giấy tờ sở hữu cho một cá nhân ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Hai bên thỏa thuận, ngày 5-7, phía gia đình Vũ Thanh Tùng sẽ phải bàn giao nhà. Tuy nhiên, ngày  6-7, khi đối tác mua nhà đến, phía gia đình Vũ Thanh Tùng vẫn chưa thu dọn đồ đạc ra khỏi nhà. Hai bên phát sinh mâu thuẫn khiến CAP Phạm Đình Hổ và lực lượng CS113 CAQ Hai Bà Trưng phải có mặt để giải quyết. 

Bất chấp việc biên bản ngăn chặn đã được CAP Phạm Đình Hổ lập ngay tại nhà Vũ Thanh Tùng, khoảng 11h40 ngày 7-7, có hai thanh niên, trong đó có Trần Việt Hưng, tìm đến nhà Vũ Thanh Tùng. Lúc này, chỉ có vợ Tùng và con nhỏ ở nhà. Chứng kiến thái độ không bình thường của 2 vị khách không mời; như vào nhà đội mũ xùm xụp, hút thuốc lá và tự ý leo lên giường ngồi, vợ Tùng đã gọi điện thoại nhắn chồng về.

Vừa đến cửa nhà, Tùng chứng kiến cảnh Trần Việt Hưng đang đứng trên giường, ưỡn ngực thách thức. Cay cú, Tùng cầm con dao loại chọc tiết lợn nhào vào. Vết đâm trúng vùng bụng khiến Hưng gục ngã, sau đó tử vong tại bệnh viện.

Theo xác minh ban đầu của cơ quan công an, nạn nhân Trần Việt Hưng không liên quan gì đến giao dịch mua bán nhà tại số 9 phố Hàn Thuyên. “Sự xuất hiện của Hưng và người đi cùng chắc chắn được ai đó “nhờ”, với mục đích gây ức chế, thậm chí, cả đe dọa chủ nhà”, chỉ huy CAP Phạm Đình Hổ nhận định. Nhận định này là có cơ sở, bởi trong bản tường trình tại cơ quan công an, vợ của Vũ Thanh Tùng khai, khi vào nhà, nạn nhân Hưng và người đi cùng tuyên bố: “Đây là nhà anh chị tao nên bọn tao vào”. Bi kịch đã xảy ra, trong đó, có cả phần lỗi từ phía nạn nhân.

Cũng tại địa bàn quận Hai Bà Trưng trước đó không lâu, xảy ra vụ thuê người đòi nợ, dẫn đến xô xát, thương tích, nhưng cả người bị thương lẫn “con nợ” sau đó đều không đến cơ quan công an trình báo. Đối tượng bị đòi nợ trong vụ việc đó là một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, trụ sở tại phố Hương Viên. Số tiền vay nghe nói lên đến hơn 10 tỷ đồng và nợ của nhiều đối tác. Một ngày… không đẹp trời, một nhóm người đi xe máy và xe ba bánh kéo đến trụ sở doanh nghiệp. Họ thản nhiên bước vào giữa công ty, trải chiếu và chơi tá lả. Dường như đã biết trước thời điểm diễn ra “màn kịch” này, ít phút sau khi nhóm xe máy, ba bánh kéo đến, hơn chục thanh niên đi xe máy, ô tô từ đâu xuất hiện. Và cánh cửa sắt ra vào doanh nghiệp kinh doanh ô tô đóng sập lại. Một trận đòn hội đồng diễn ra bên trong, mà bên yếu thế thuộc về nhóm xe ba bánh. Chừng 10 phút sau đó, những người trong nhóm xe ba bánh lặng lẽ dìu nhau ra ngoài, lên xe và phóng thẳng. Một “trò” gây sức ép đòi nợ đã thất bại, và rất may, án mạng đã không xảy ra.

Có dấu hiệu hình sự

“Hành vi tự ý vào nhà người khác gây sức ép, khủng bố tinh thần có dấu hiệu phạm tội hình sự của ít nhất 2 tội danh, tùy theo tính chất vụ việc mà cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Thứ nhất, là tội cưỡng đoạt tài sản, bởi mục đích tự ý vào nhà của “người lạ” là nhằm đe dọa, đuổi chủ nhà ra ngoài đường, hay đòi tiền. Thứ hai, là tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Hành vi xâm phạm chỗ ở của công dân được hiểu là việc người phạm tội khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân”, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích. 

Vị luật sư này chỉ rõ, hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân có thể hiểu như lấn chiếm chỗ ở của công dân, tùy tiện vào chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của họ. Người phạm tội đã xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân quy định tại Điều 72 Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001 là: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Ngoài ra, tội phạm này còn xâm phạm đến các quy định của pháp luật, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội. Những giao dịch dân sự, đúng đắn và hiệu quả nhất phải “nhờ” đến tòa án dân sự. Mọi toan tính dùng “luật rừng” để giải quyết giao dịch dân sự sẽ phải trả giá đắt. Còn đối với những cá nhân, gia đình bị rơi vào tình cảnh “khách không mời mà đến”, trong mọi tình huống, hãy báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất…