Ấn tượng Việt Nam 2020

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam khép lại năm 2020 và sang năm mới 2021 với niềm tự tin lớn lao khi đã ghi dấu ấn đậm nét như là một điểm sáng ở khu vực và thế giới trong năm 2020 khi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc Top đầu thế giới và thành tựu đối ngoại ấn tượng.
Những thành tựu đối nội và đối ngoại đầy ấn tượng trong năm 2020 đã nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam (Trong ảnh: Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN)

Những thành tựu đối nội và đối ngoại đầy ấn tượng trong năm 2020 đã nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam (Trong ảnh: Hội nghị Cấp cao đầu tiên của ASEAN được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự đầy đủ của Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN)

Thành tựu mở ra tương lai tươi sáng

Cách đây một năm, có lẽ những người bi quan nhất cũng không thể lường được là thế giới lại trải qua một năm 2020 đầy biến động và khó khăn tới vậy. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã làm chao đảo đời sống kinh tế-xã hội toàn cầu, trong đó gây ra cuộc “đại khủng hoảng” kinh tế trầm trọng nhất kể từ cuộc “Đại suy thoái” đầu những năm 1930.

Là một trong những nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, kinh tế Việt Nam đã sớm phải chịu những tác động hết sức nặng nề, nhất là đối với hai ngành kinh tế mũi nhọn là hàng không và du lịch, kéo theo đó là hàng loạt ngành dịch vụ khác. Khó khăn càng thêm chồng chất với Việt Nam khi phải hứng chịu những trận thiên tai, bão lũ lịch sử liên tiếp, gây tổn thất to lớn về sinh mạng và vật chất

Thế nhưng, vượt qua thách thức chưa từng thấy “đánh gục”, “nhấn chìm” hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm các cường quốc phát triển nhất, trong cơn “đại hồng thủy” - đại dịch Covid-19, Việt Nam không chỉ trụ vững mà còn thu được những thành tựu đáng tự hào, ghi dấu ấn mạnh mẽ. Có chung đường biên giới hàng nghìn km với vô số đường mòn lối mở cùng đường bộ, đường hàng không, đường thủy nhộn nhịp và cũng có những ca bệnh lây nhiễm từ tâm dịch Vũ Hán của Trung Quốc rất sớm, song Việt Nam đã ngăn chặn, không chế, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để bùng phát ra cộng đồng như tuyệt đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới.

Thực hiện thành công mục tiêu kép ngăn chặn, kiểm soát tốt dịch Covid-19 đồng thời hồi phục, phát triển kinh tế-xã hội, mở ra thời kỳ bình thường mới sớm và ổn định bậc nhất thế giới, Việt Nam đã gặt hái những thành quả ngọt ngào và xứng đáng. Chúng ta không chỉ là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương, mà còn tăng trưởng thuộc top đầu thế giới với 2,91%, đồng thời khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra công ăn việc làm để “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong lúc khó khăn; là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, an toàn và tin cậy.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dù không hoàn thành một số chỉ tiêu như đã đề ra từ đầu năm, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, năm 2020 vẫn được xem là thành công hơn năm 2019 và thành công nhất trong 5 năm qua. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong năm 2020 đã góp phần làm nên thành tựu quan trọng, nổi bật của nhiệm kỳ Khóa XII và có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, “làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những thành tích đáng tự hào đạt được trong năm 2020 đầy khó khăn, biến động cũng như thành tựu to lớn trong 5 năm qua đã mở ra tương lai tươi sáng cho sự phát triển của đất nước. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) ở Anh trong báo cáo thường niên về 193 nền kinh tế công bố cuối năm 2020 đã dự báo kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 19 thế giới vào năm 2035. CEBR nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7% trong giai đoạn 2021-2025, 6,6% trong 10 năm tiếp theo và đến năm 2035 sẽ vượt qua Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan.

Nâng cao vị thế và uy tín quốc tế

Dấu ấn Việt Nam 2020 càng ấn tượng hơn bởi những thành công trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. “Nhiệm vụ kép” làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được Việt Nam thực hiện thành công như “nhiệm vụ kép” chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội.

Đúng như chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, Việt Nam đảm đương thành công nhiệm vụ Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội trong năm 2020 với những khó khăn, thử thách mà ASEAN chưa từng gặp phải từ khi thành lập năm 1967 tới nay. Việc kiểm soát dịch Covid-19 thành công là thành tựu nổi bật, giúp nâng cao vị thế và uy tín quốc tế chưa từng có của Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề để Việt Nam hoàn thành tốt các trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN.

Việt Nam đã “chủ động thích ứng”, kịp thời chuyển sang hình thức họp trực tuyến các hội nghị của ASEAN ngay từ khi dịch bệnh lây lan trong khu vực. Đây là điều không dễ dàng vì phương cách hoạt động truyền thống của ASEAN vốn là họp trực tiếp, thường xuyên, trên cơ sở đó xây dựng quan hệ hữu hảo để tạo đồng thuận. Duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời góp phần “gắn kết” các quốc gia trong Hiệp hội, Việt Nam đóng góp tích cực vào Tuyên bố chung ASEAN về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á được thông qua vào tháng 8-2020. Việt Nam cũng là nước đi đầu trong việc thúc đẩy một lập trường có tính nguyên tắc trong ASEAN về vấn đề Biển Đông, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đánh giá về đóng góp của Việt Nam, Trưởng phái đoàn thường trực Indonesia - một quốc gia Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Dian Triansyah Djani khẳng định: “Việt Nam đã rất thành công tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020”. Trong năm đầu tiên đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (năm 2020), Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trên lĩnh vực ít được bàn đến như hoạt động nhân đạo, hoạt động giữ gìn hòa bình, chống biến đổi khí hậu, hoạt động phòng chống tội phạm trên không gian mạng… mà nổi bật nhất là Việt Nam đã chủ trì đề xuất Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết lấy ngày 27-12 hàng năm làm “Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh”.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế - hoàn thành việc đàm phán, ký kết 2 Hiệp định rất quan trọng là: Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020 - đã góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam nổi lên như là một điểm sáng của thế giới trong năm 2020 đầy thách thức và biến động.