An toàn và an tâm

ANTĐ - Báo cáo của Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội khẳng định, các chỉ số về nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP, nợ nước ngoài dưới 50% GDP. Đặc biệt, về sử dụng vốn vay, quản lý nợ, Báo cáo nhấn mạnh: chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước luôn nằm trong ngưỡng an toàn, dưới 25% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Trong số các chủ nợ nước ngoài, Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%; Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển châu Á chiếm 8% và các chủ nợ khác chiếm 34%. Điều đáng ghi nhận là, cơ cấu huy động vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước. Đây chính là xu hướng chuyển đổi cơ cấu vay nợ nước ngoài của Chính phủ sang vay nợ trong nước nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài. Báo cáo về tình hình sử dụng vốn vay, sử dụng cho bù đắp bội chi, ngân sách Nhà nước từ nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài chiếm 53,8% tổng vốn huy động của Chính phủ. 

Phân tích về Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận xét, vấn đề nợ công không phải là cao hay thấp mà phải tính đến khả năng trả nợ. Nhiều quốc gia có thể nợ tới 200% GDP, nhưng họ có nền tài chính vững chắc thì không đáng ngại. Ngược lại, có những nước nợ công chỉ trong khoảng   60-70% mà đã thấy rất khó khăn và trở thành một gánh nặng khó trả. Ông Chủ nhiệm Ủy ban bày tỏ sự lo ngại vì mặc dù chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước luôn nằm trong giới hạn an toàn, song điều này chưa thật bền vững khi kỷ luật tài chính trong thời gian qua chưa được chặt chẽ, có những biểu hiện buông lỏng.

Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tán thành tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Chính phủ thể hiện trong báo cáo: Kỷ luật ngân sách luôn phải được đặt lên hàng đầu. Bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng phải đặt ra vấn đề kỷ luật ngân sách, không lúc nào được phép buông lỏng. Trong báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước đã đánh giá, tình hình thu ngân sách từ năm 2011 đến năm 2012 và 5 tháng đầu năm nay có những diễn biến theo chiều hướng không mấy sáng sủa. Có nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là việc lập dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng chưa sát thực tế. Mặc dù tăng thu xuất nhập khẩu nhưng vẫn để nợ số chi hoàn thuế chưa có nguồn thanh toán lên tới 14.532 tỷ đồng, tạo thêm áp lực mất cân đối ngân sách những năm sau.

Nợ công khiến nhiều nền kinh tế phát triển lao đao. Nợ công và khả năng trả nợ của nước ta vẫn nằm trong giới hạn cho phép và an toàn. Song an toàn chỉ được bảo đảm bằng kỷ luật tài chính chặt chẽ thì mới thực sự bền vững và an tâm.