An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo

ANTD.VN - Cùng với lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) đã được triển khai thí điểm đến tất cả quận/huyện/thị xã, xã/ phường/thị trấn trên địa bàn Hà Nội, dịp cuối năm, số đoàn thanh tra ATTP cấp Trung ương và thành phố cũng sẽ được tăng cường. Vậy làm thế nào để công tác thanh tra phát huy hiệu quả, tránh phiền hà cho doanh nghiệp, người kinh doanh… đang là vấn đề được quan tâm. 

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 1Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến diễn ra tại Báo ANTĐ chiều 12-12

Gần 2.000 cơ sở bị xử phạt, ATTP vẫn là nỗi lo 

Gửi câu hỏi đến buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Tăng hiệu lực, giảm chồng chéo” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức chiều 12-12, bạn đọc nguyenthivinhhuong phản ánh: “Tết Nguyên đán 2020 đang cận kề, nhưng người dân chúng tôi vẫn rất lo lắng về ATTP”. Hay bạn đọc Hoài An hỏi: “Bệnh vào từ miệng. Vậy làm thế nào để ngăn được “thực phẩm bẩn”, xử lý tình trạng mất ATVSTP?”.

Trả lời bạn đọc, ThS.Bs Trần Việt Dũng - phụ trách Phòng Công tác thanh tra (Chi cục ATVSTP Hà Nội) cho biết, để đảm bảo ATTP dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân 2020 tới đây, Chi cục ATVSTP thành phố đã chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch đảm bảo ATTP trình Sở Y tế và UBND TP Hà Nội từ rất sớm. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, đồng thời thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố và các đoàn liên ngành của 30 quận, huyện; 584 xã, phường, thị trấn. “Các đoàn kiểm tra có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra cũng như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, xử lý vi phạm hành chính tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong suốt thời gian Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2020” - ông Dũng nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, ThS.BS Hà Thu Hương - Thanh tra ATTP (Thanh tra Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức tổng số 651 đoàn thanh tra, kiểm tra (618 đoàn liên ngành) thực hiện thanh tra, kiểm tra về ATTP. Qua đó, đã kiểm tra 70.550/83.240 lượt cơ sở (đạt 84,8%), riêng tuyến thành phố kiểm tra 589 lượt cơ sở, phạt tiền 1.710 cơ sở vi phạm về ATTP với số tiền phạt hơn 7,4 tỷ đồng. Bà Hương nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm luôn được coi trọng kết hợp với công tác tuyên truyền, hướng dẫn giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được các quy định và thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo được sử dụng thực phẩm an toàn thì người dân cần tìm hiểu các kiến thức về ATTP.

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 2Công tác thanh tra ATTP hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn 

Còn nhiều vướng mắc từ cơ sở

Thực tiễn cho thấy, tăng cường thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp quan trọng để phát hiện, ngăn chặn và kiểm soát tình trạng vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên thị trường. Đến nay, sau 5 tháng triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận/ huyện/ thị xã, xã/ phường/ thị trấn trên toàn địa bàn thành phố, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực khi số cơ sở được thanh tra nhiều hơn, số cơ sở bị phát hiện vi phạm và bị xử lý cũng tăng cao. Dù vậy, thực tiễn triển khai từ cơ sở, nhất là cấp xã phường, hiện vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, bà Lê Thị Thanh Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) chia sẻ, phường Thanh Xuân Nam hiện đang quản lý 86 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sau 2 đợt thanh tra chuyên ngành ATTP, UBND phường đã thanh tra được 21 cơ sở và xử phạt 5 cơ sở có vi phạm với số tiền 15 triệu đồng… 

Theo bà Thương, khó khăn lớn nhất trong thanh tra chuyên ngành ATTP cấp xã, phường hiện nay là nhân lực. Lý do vì xã, phường hiện chưa có công chức phụ trách về ATTP, hầu hết là cán bộ kiêm nhiệm nên việc nghiên cứu sâu về chuyên ngành ATTP còn hạn chế. Đó là chưa kể số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành ATTP và xử lý vi phạm hành chính. Từ thực tiễn ở cơ sở, bà Thương đề xuất, cấp phường nên có một công chức chuyên phụ trách về công tác ATTP để công tác thanh tra ATTP đạt hiệu quả cao hơn nữa. 

Trên phạm vi toàn thành phố, ThS.Bs Trần Việt Dũng cho biết, phần lớn quận, huyện và xã, phường của Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP lần này là lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai thanh tra. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của thành phố kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện của quận, huyện, thị xã; các tổ công tác, kiểm tra giám sát liên ngành của quận, huyện, thị xã thì kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra vừa giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện thanh tra chuyên ngành ATTP của các đơn vị, vừa phát hiện vướng mắc phát sinh để có biện pháp khắc phục, đồng thời hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho tuyến cơ sở” - ông Trần Việt Dũng nói.

Hạn chế phiền hà

Như đã nói, thời điểm cuối năm hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP sẽ được tăng cường từ cấp trung ương đến cơ sở, với hàng nghìn đoàn thanh tra được thành lập. Cũng vì thế, khó tránh khỏi tình trạng trong một thời gian ngắn, một doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra khác nhau về cùng nội dung đảm bảo ATTP. Trước mối lo ngại này, ThS.BS Hà Thu Hương cho biết, nếu một doanh nghiệp, cơ sở đã tiếp đón đoàn thanh tra của thành phố hoặc của sở ngành rồi nhưng lại có đoàn thanh tra của sở ngành khác hoặc cấp quận, phường vào thanh tra thì cơ sở đó có quyền báo cáo nội dung đã được thanh tra trước đó. Nếu trùng lặp về nội dung kiểm tra, đoàn thanh tra sau sẽ dừng lại và sử dụng kết luận thanh tra trước đó.

“Về mặt quản lý Nhà nước, Sở Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của ngành Y tế và đơn vị thường trực và chịu trách nhiệm về ATTP là Chi cục ATVSTP Hà Nội. Trước tháng 10 hàng năm, theo quy định lực lượng thanh tra phải xây dựng xong kế hoạch thực hiện của năm sau, và hoạt động này sẽ loại bỏ những chồng chéo. Trong kế hoạch sẽ dự kiến những đơn vị, nội dung thanh tra theo kế hoạch; Thanh tra Sở sẽ là đơn vị thông qua kế hoạch, loại bỏ những chồng chéo về cơ sở được thanh tra” - bà Hà Thu Hương nêu rõ.

Dự phòng tích cực và chủ động sẽ phát huy hiệu quả cao nhất

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 3

Phát biểu đề dẫn buổi Giao lưu trực tuyến, ông Chu Quốc Dũng - Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô nêu: “Có một điểm chung trong công tác công an và y tế là luôn cần chủ động và tích cực trong công tác, lấy sự bình yên của cuộc sống nhân dân, sức khỏe của nhân dân làm đầu. Trong khi công an có phương châm “An ninh chủ động” thì “Y tế dự phòng tích cực và chủ động” là quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển nền y tế Việt Nam”.

Trên cơ sở đó, ông Chu Quốc Dũng cho rằng, quan điểm dự phòng tích cực phải được nhận thức sâu sắc và vận dụng trong việc tạo ra lối sống lành mạnh và văn minh, đảm bảo môi trường sống, lao động và học tập có lợi cho phòng bệnh và tăng cường sức khỏe trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. “Với mong muốn cùng góp phần thiết thực vào công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong thời điểm cuối năm, áp Tết, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức giao lưu trực tuyến về “Thí điểm Thanh tra chuyên ngành ATTP tại Hà Nội: Tăng hiệu lực, giảm chồng chéo” trên Báo An ninh Thủ đô điện tử” - ông Chu Quốc Dũng nói.

Cần hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm chế biễn sẵn

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 4BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội

- Bạn đọc Phạm Hương (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội): Vệ sinh ATTP có liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân. Những năm gần đây, ngày càng nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo, nguyên nhân được cho là từ thức ăn không đảm bảo Vệ sinh ATTP. Xin hỏi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội có khuyến cáo gì với người dân để phòng tránh các bệnh này?

- BS.CKII Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội: Để bảo vệ sức khỏe cho cá nhân và gia đình, trước tiên cần hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn. Khi chọn mua thực phẩm phải kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ trên bao bì. Đối với các loại thực phẩm mua ở các chợ dân sinh thì người dân cũng cần phải trang bị những kiến thức cơ bản để chọn mua được những thực phẩm an toàn, ví dụ hạn chế mua các loại rau quả trái mùa... Trong quá trình chế biến thực phẩm, đặc biệt là các loại rau củ quả cần phải được rửa kỹ dưới vòi nước để loại bỏ những hóa chất bảo vệt thực vật còn tồn dư trên thực phẩm; Các loại củ quả thì cần phải gọt bỏ vỏ trước khi chế biến.

- Bạn đọc Hương Anh (Trường THCS Lý Thường Kiệt, Hà Nội): Giá thực phẩm tươi sống hiện tăng cao khiến bữa ăn bán trú học sinh phải sử dụng nhiều thực phẩm đông lạnh thay thế. Điều này có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe học sinh không, thưa bác sĩ?

- Hiện nay tất cả quốc gia đều sử dụng thực phẩm tươi sống và đông lạnh song song. Tuy nhiên đối với các thực phẩm đông lạnh, trước khi chế biến cần phải được xử lý rã đông đúng cách theo từng loại thực phẩm và chế biến an toàn như đun sôi, nấu kỹ và sử dụng lúc thực phẩm còn nóng. Thời gian bảo quản thực phẩm đông lạnh tùy thuộc vào từng loại thực phẩm và nhiệt độ bảo quản. Tuy nhiên, mỗi loại thực phẩm đều có thời gian quy định nhất định, nếu quá thời gian bảo quản thì thực phẩm cần phải tiêu hủy, không được sử  dụng. Việc này, Hội cha mẹ phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để giám sát các loại thực phẩm đưa vào sử dụng bữa ăn cho con em đúng theo quy định.

Công tác thanh tra ATTP không có sự nể nang, né tránh

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 5Bà Lê Thị Thanh Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân

- Bạn đọc Nguyễn Hoàng Hà (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội): Cán bộ ở phường, xã thường cũng là người sinh sống trên địa bàn, có quen biết rộng rãi với những hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất. Vậy khi thanh tra, xử lý vi phạm làm thế nào để tránh được tình trạng nể nang, hoặc “thanh tra báo trước”?

- Bà Lê Thị Thanh Thương - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân: UBND phường Thanh Xuân Nam luôn thực hiện nghiêm túc quy định trong việc tiến hành thanh tra cũng như kiểm tra về lĩnh vực đảm bảo ATTP. Tích cực tuyên truyền tới người dân cũng như các hộ kinh doanh nhằm tác động tới ý thức, nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định về ATTP. Chính vì vậy, có thể khẳng định, công tác thanh tra ATTP tại phường không có sự nể nang, né tránh.

- Bạn đọc Nguyễn Thu Uyên (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội): Thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp quận, phường thường huy động cán bộ, công chức từ trạm y tế, thú y, kinh tế, thậm chí cả cán bộ văn xã tham gia. Những cán bộ này kiêm nhiệm nhiều việc, lại không có nhiều nghiệp vụ thanh tra, kiến thức về ATTP, vậy phường có giải pháp gì?

- Cán bộ công chức, viên chức của trạm y tế phường thực chất là cán bộ phụ trách tham mưu cho UBND phường trong lĩnh vực ATTP. Khi thực hiện chuyên ngành thanh tra, UBND phường Thanh Xuân Nam ban hành quyết định đoàn thanh tra gồm có 3 đồng chí là: Phó Chủ tịch UBND phường, Trạm trưởng Y tế phường và 1 đồng chí cán bộ Trạm Y tế phường. Cả 3 đều được đào tạo qua lớp thanh tra chuyên ngành ATTP và đã được cấp chứng chỉ. Trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, UBND phường cũng mời thêm các thành phần tham gia như: công an, thú y, vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, như tôi đã trả lời ở câu hỏi trước, thì một trong những khó khăn hiện nay là cán bộ thanh tra ATTP thường phải kiêm nhiệm nhiều việc nên hiệu quả thanh tra chưa thực sự như mong muốn. 

Người tiêu dùng có thể tố cáo đến cơ quan chức năng nếu phát hiện tình trạng mất ATVSTP

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 6ThS.BS Trần Việt Dũng - Phụ trách Phòng Công tác thanh tra, Chi cục ATVSTP Hà Nội

- Bạn đọc Đồng Văn Huy: Tôi thấy vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay cực kỳ nhức nhối. Tôi không hiểu các cơ quan chức năng làm gì, vì khi lên tivi thì các vị đều nói hoặc là đảm bảo, hoặc là không đủ nguồn lực để kiểm soát toàn bộ?

- ThS.BS Trần Việt Dũng - Phụ trách Phòng Công tác thanh tra, Chi cục ATVSTP Hà Nội: Công tác thanh tra chuyên ngành ATTP thời gian vừa qua đã được triển khai và xử lý vi phạm từ tuyến quận/ huyện đến xã/phường. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra ATTP không thể đủ để kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nên không tránh khỏi có những vi phạm chưa bị phát hiện. Vì vậy, ngoài công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng, cũng cần ý thức, lương tâm của người kinh doanh và sự giám sát của chính người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng phát hiện tình trạng mất ATTP, có thể chụp hình, quay video, gửi đến Thanh tra Sở Y tế, Chi cục ATTP Hà Nội, Phòng Y tế quận/huyện/thị xã, UBND xã/phường... và tùy theo phân cấp quản lý, sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất tại cơ sở bị phản ánh để xử lý vi phạm.

- Bạn đọc Trịnh Thị Thanh Tuyền (Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội): Qua theo dõi trên báo chí, tôi thấy công tác thanh tra chuyên ngành ATTP ở Hà Nội mới chỉ tập trung vào thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, trong khi cái gốc của vấn đề là đảm bảo từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, chế biến. Xin hỏi làm thế nào để phát huy hiệu quả của công tác thanh tra?

- Hiện nay phần lớn các quận, huyện và xã phường triển khai thí điểm thanh tra lần đầu, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức, kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế. Trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã, vì thế trong thời gian đầu triển khai các đoàn thanh tra, tập trung nhiều hơn vào thanh tra thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể. Tuy nhiên, song song với thanh tra chuyên ngành ATTP, công tác kiểm tra vẫn được triển khai ở các quận/huyện, xã/phường, trong đó có công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất lần đầu. Trong thời gian tới, khi các đoàn thanh tra đã nắm vững hơn quy trình thanh tra, sẽ triển khai thanh tra ATTP tại các cơ sở sản xuất thực phẩm. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm luôn được coi trọng, kết hợp với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giúp người sản xuất, kinh doanh nắm được và thực hiện đúng các quy định về ATTP.

Sẽ dừng thanh tra nếu phát hiện có trùng lặp

An toàn thực phẩm trong dịp Tết - tránh thanh tra, kiểm tra chồng chéo ảnh 7ThS.BS Hà Thu Hương, Thanh tra ATTP - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội

- Bạn đọc Đặng Thị Mỹ Hạnh (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội): Trong thời điểm cuối năm như hiện nay, công tác thanh tra, kiểm tra ATTP được tăng cường với rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành.  Xin hỏi, làm thế nào để tránh chồng chéo các đoàn thanh tra, để một cơ sở không phải tiếp quá nhiều đoàn?

- ThS.BS Hà Thu Hương, Thanh tra ATTP - Thanh tra Sở Y tế Hà Nội:

 - Các đoàn thanh tra ATTP chỉ thực hiện nội dung thanh tra theo phân công, phân cấp theo các văn bản pháp luật cụ thể: Luật ATTP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP và Quyết định 14/2019/QĐ-UBND để hạn chế tối đa chồng chéo. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra sự trùng lặp thì doanh nghiệp có quyền chủ động báo cáo lại với đơn vị đang thông báo lịch thanh tra để đơn vị đó căn cứ vào nội dung thanh tra, nếu trùng lặp thì sẽ dừng việc thanh tra đó.

- Bạn đọc Lê Mai Phương (Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội): Xin hỏi đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, để chuẩn bị cho việc triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP trên toàn thành phố, Hà Nội đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho lực lượng thanh tra như thế nào? 

- Để đảm bảo đúng quy định nhân lực về công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tại quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các đơn vị đào tạo, các Sở, ngành đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành, lấy mẫu thực phẩm xét nghiệm và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Trong đó, phối hợp với Trường Cán bộ thanh tra Chính phủ triển khai 39 lớp đào tạo, cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành ATTP cho 3.340 công chức, viên chức, Phó Chủ tịch/Chủ tịch xã, phường thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia khai giảng 25 lớp đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm cho 1.240 người; Phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đã mở 14 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cho 2.480 công chức, viên chức.