Ân tình giới họa sĩ mỹ thuật tạo hình trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự chia sẻ dù chỉ là một hành động nhỏ nhất cũng làm ấm lòng những người ở tuyến đầu chống dịch và những người đang gặp hoạn nạn. Tất cả chỉ nói lên rằng, tình yêu nước ở mỗi thời lại được thể hiện ở những hình thức khác nhau nhưng nghĩa đồng bào thì không bao giờ thay đổi. Truyền thống yêu nước thương nòi là một dòng chảy bất tận trong mỗi người dân Việt Nam, không riêng gì các văn nghệ sĩ nổi tiếng.
Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô cùng Chủ tịch Indochine Art trao tặng món quà tiếp sức các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Thượng tá Nguyễn Thanh Bình, Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô cùng Chủ tịch Indochine Art trao tặng món quà tiếp sức các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Đấu giá các tác phẩm nghệ thuật

Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong khống chế và kiểm soát đại dịch. Ở đó không chỉ có những biện pháp đề ra được người dân đồng lòng thực thi mà còn là nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn. Nhiều sáng kiến như cây ATM gạo, phát khẩu trang miễn phí, góp thực phẩm cứu trợ người dân vùng sâu, vùng xa tạo nên một sinh khí dập tắt sự u ám của dịch bệnh. Cùng với đó là hàng loạt các hoạt động hướng về đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch như tặng các trang thiết bị khám, chữa bệnh, gửi tặng nước uống, thực phẩm tới tận tay những người thầy thuốc.

Hòa vào dòng chảy này, giới họa sĩ Việt đã cùng chung tay tạo nên những điểm nhấn nhất định trong bức tranh về nghĩa đồng bào. Trong đó, hoạt động đấu giá từ thiện các tác phẩm nghệ thuật do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Công ty Indochineart tổ chức từng được nhắc đến như một hoạt động thiết thực và ý nghĩa giữa lúc toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội.

Nhà nhà đóng cửa, người người ở trong nhà để tránh sự lây lan và bùng phát của dịch Covid-19. Trong bối cảnh ngưng trệ mọi hoạt động, một chương trình đấu giá kéo dài tới 6 phiên liên tục đã thu về số tiền hơn 500 triệu đồng quả là một thành công không nhỏ. Để tổ chức được phiên đấu giá này trong bối cảnh cực kỳ khó khăn về phương tiện và vận chuyển tranh trong khi lệnh phong tỏa toàn thành phố đang có hiệu lực, các họa sĩ và Ban tổ chức đã nghĩ ra nhiều cách làm để vượt khó.

Với lượng lớn các nghệ sĩ mỹ thuật tạo hình 3 miền Bắc - Trung - Nam cùng tham gia, các bức tranh cũng được vận chuyển từ những vùng miền xa xôi của đất nước. Thay vì vận chuyển tranh có khung cồng kềnh và khó mang vác, Ban tổ chức đã sẵn sàng bỏ tiền ra mua khung để các họa sĩ chỉ cần cuộn tranh lại và gửi qua đường bưu điện. Còn các họa sĩ Hà Nội, tự chở tranh bằng xe máy tới địa điểm tập kết. Mỗi người cố một chút nên số lượng tranh cũng đã được vận chuyển tới nơi cần đến.

Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art đã trao tận tay các bác sĩ Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội số tiền thu về từ các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật

Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art đã trao tận tay các bác sĩ Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội số tiền thu về từ các phiên đấu giá tác phẩm nghệ thuật

Sau chương trình đấu giá, Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochine Art đã tới 6 bệnh viện ở tuyến đầu chống dịch trên địa bàn Hà Nội là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Mê Linh và Bệnh viện Công an thành phố Hà Nội để trao tận tay số tiền và hiện vật là hơn 16.000 sản phẩm trà thanh nhiệt Dr.Thanh.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, nguyên Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đánh giá cao ý nghĩa chương trình do Báo An ninh Thủ đô và Công ty Indochineart tổ chức. Cũng từ hoạt động này, ông thấy những người họa sĩ vốn trầm lặng bên bảng vẽ và cây bút không còn ngồi yên trước các vấn đề của xã hội.

Họ cũng đã có tiếng nói và hành động cụ thể đóng góp cho xã hội. Họa sĩ không còn đứng ngoài cuộc các vấn đề nóng bỏng của đời sống. Họ không còn chỉ thể hiện sự quan tâm và những suy nghĩ của mình về các vấn đề xã hội trên toan mà nay đã được chuyển biến thành các triển lãm, các chương trình đấu giá từ thiện thu về số tiền mặt, trực tiếp ủng hộ đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

“Ở nhà là yêu nước”

Giữa cơn đại dịch Covid-19, nhiều người còn nhớ tới bức tranh cổ động nổi tiếng “Ở nhà là yêu nước” của họa sĩ Lê Đức Hiệp như một lời nhắc nhở về việc ở nhà chính là một hành động yêu nước trong lúc dịch bệnh đang hoành hành. Hơn thế, bức tranh còn cho thấy ý thức xã hội của người họa sĩ trước “điểm nóng” của đời sống. Vốn là một tay vẽ poster cho phim điện ảnh nhưng lần vẽ tranh “Ở nhà là yêu nước” là một kỷ niệm thật đặc biệt với họa sĩ thế hệ 8X này.

Họa sĩ Lê Đức Hiệp cho biết, anh vẽ bức tranh này xuất phát từ… sự bực mình. Sau khi Chính phủ kêu gọi mọi người hãy ở nhà để cùng chung tay ngăn chặn Covid-19, anh đã nhìn thấy trên mạng xã hội có nhiều người phớt lờ lời kêu gọi đó, vẫn tụ tập ở các quán cà phê hay nhà hàng. Điều đó thực sự làm Lê Đức Hiệp… bực mình. Và anh muốn làm một cái gì đó có thể lan truyền, nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho mọi người cùng nhau làm điều đúng đắn. Họa sĩ đã chọn cách tuyên truyền này vì nó quen thuộc với người Việt Nam và phong cách này luôn khơi gợi những cảm xúc yêu nước.

Bức tranh cổ động nổi tiếng mang tên “Ở nhà là yêu nước” của họa sĩ Lê Đức Hiệp

Bức tranh cổ động nổi tiếng mang tên “Ở nhà là yêu nước” của họa sĩ Lê Đức Hiệp

Trong bức tranh, nổi bật nhất là hai nhân viên y tế đeo khẩu trang, dáng đứng hiên ngang như những người lính, tay giơ ngọn cờ thể hiện sự quyết chiến quyết thắng. Những câu khẩu hiệu được thể hiện rõ ràng, hài hước và dễ nhớ trên tấm poster: “Hạn chế ra đường tụ tập để cùng chung tay đẩy lùi Covid-19”; “Ở nhà là yêu nước”; “Ai ho báo y tế. Ai tung tin giả báo công an. Ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”.

Bức tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp không chỉ được cộng đồng mạng truyền tay nhau chia sẻ và kêu gọi mọi người ở trong nhà, mà còn được báo chí nước ngoài ca ngợi. Trong đó có tờ The Guardian (Anh) và Hãng thông tấn DPA (Đức) đã nhắc tới bức tranh “Ở nhà là yêu nước” như một sự thành công của ngôn ngữ đồ họa trong việc tuyên truyền phòng chống dịch.

Tác giả của bức tranh sau đó còn bán 62 poster “Ở nhà là yêu nước” để mua 1,2 tấn gạo ủng hộ người nghèo trong mùa dịch Covid-19. Những hành động kịp thời và thiết thực của Lê Đức Hiệp ngay ở thời điểm nhiều người dân Việt Nam đang lâm vào cảnh khó khăn thật đáng trân trọng. Đó là tình cảm chân thành mà những người cùng một dòng máu con lạc cháu hồng trên dải đất hình chữ S hướng về những người kém may mắn hơn giữa cơn đại dịch.