Ăn thực phẩm dạng hạt giúp phòng tránh béo phì

ANTĐ - Một nghiên cứu cho thấy những người ăn thực phẩm dạng hạt có trọng lượng cơ thể và chỉ số khối cơ thể (BMI) cũng như vòng eo nhỏ hơn.

Tiến sĩ Carol O'Neil ở Đại học bang Louisiana, Mỹ và các đồng nghiệp đã tiến hành một nghiên cứu để so sánh các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim, tiểu đường týp 2 và hội chứng chuyển hóa ở những người ăn các thực phẩm dạng hạt với người không ăn loại thực phẩm này.

Họ đã sử dụng dữ liệu về 13.292 nam giới và phụ nữ tham gia vào Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Hoa Kỳ (National Health and Nutrition Examination Surveys, NHANES).

Những người ăn thực phẩm dạng hạt được định nghĩa là người ăn hơn 7g mỗi ngày.

Nghiên cứu cho thấy ăn các loại hạt như hạt lạc, đậu tương, quả hạnh, hạt điều, quả phỉ, quả hồ trăn và quả óc chó có liên quan với nồng độ cholesterol tốt cao hơn và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim.

Ngoài ra, thực phẩm dạng hạt cũng giúp giảm ảnh hưởng của 4 yếu tố nguy cơ gây các hội chứng chuyển hóa. 4 yếu tố nguy cơ gồm béo phì vùng bụng, huyết áp cao, nồng độ đường huyết cao và nồng độ cholesterol tốt thấp.

O’Neil cho biết: “Các loại hạt nên được xem là một phần thiết yếu của chế độ ăn lành mạnh và các chuyên gia y tế nên khuyến khích mọi người ăn thực phẩm dạng hạt, đặc biệt là những người phải ăn kiêng nghiêm ngặt”.

Hiện nay, các chuyên gia khuyến nghị mọi người nên ăn khoảng 42g (3 thìa súp) các loại hạt mỗi ngày.