Án tham nhũng tăng, nhưng tình hình thực tế còn nghiêm trọng hơn

ANTĐ - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định: Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra.
Hôm nay (22-10), sau Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012.

Theo đó, trong năm 2012 Chính phủ, các cơ quan tư pháp trung ương tiếp tục chỉ đạo công tác phát hiện và xử lý dứt điểm một số vụ án tham nhũng trọng điểm, phức tạp; một số vụ án lớn được phát hiện và xử lý. So với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng cùng kỳ thì năm 2012 đã tăng cả về số vụ và số đối tượng phạm tội. Theo báo cáo số 266/BC-CP ngày 10/10/2012 của Chính phủ thì Cơ quan cảnh sát điều tra công an các cấp đã khởi tố 222 vụ với 469 bị cáo, tăng 34% số vụ và 47,8% số bị can (năm 2011 khởi tố 142 vụ với 245 bị can); Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội đã khởi tố 16 vụ, 46 bị can về các tội danh tham nhũng; Cục Điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 18 vụ, 20 bị can về các tội danh tham nhũng.

Theo Báo cáo số 220/BC-CP ngày 05/9/2012 của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm thì lực lượng Công an đã phát hiện 803 vụ với 1.719 đối tượng vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 223,79% về số vụ và 226,81% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2011).

Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đẩy nhanh tiến độ xử lý đối với một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Số vụ án tham nhũng được phát hiện và xử lý trong năm 2012 tuy có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; số tài sản, đất đai sai phạm rất lớn nhưng thu hồi được còn rất ít.

Nổi lên là tình hình tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính và lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại địa phương trong năm qua gia tăng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả như vụ tham ô tài sản tại công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thiệt hại hàng trăm tỷ đồng; Vụ tham nhũng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng Công thương chi nhánh Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh thiệt hại trên 2.000 tỷ đồng; Vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ 03 lãnh đạo chi nhánh Hồng Hà của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn lạm quyền trong thi hành công vụ gây thiệt hại 487 tỷ đồng…

Việc xử lý đối với một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp mặc dù đã được Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc nhưng việc giải quyết vẫn bị kéo dài, có những vụ án được khởi tố điều tra cách đây nhiều năm nhưng cho đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm; một số vụ sau nhiều năm khởi tố, điều tra nay lại đình chỉ điều tra vụ án hoặc đình chỉ điều tra bị can, trong đó có những bị can trong các vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; có vụ án đã được khởi tố, điều tra nhiều năm nhưng phải tạm đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra vẫn chưa chứng minh được thiệt hại. Nhiều vụ án, bị can trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã được thay đổi sang tội danh nhẹ khác hơn.

Thực tế cho thấy, một số vụ án lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước nhưng lại không phát hiện được hành vi tham nhũng hoặc ban đầu khởi tố, điều tra về hành vi tham nhũng nhưng sau đó lại chuyển sang các tội danh khác nhẹ hơn như tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… đã gây bất bình, bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo có biểu hiện chưa nghiêm minh; có nơi việc áp dụng điều 47 của Bộ luật hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80 % và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm tới 50%. 

Thực trạng xử lý chưa nghiêm minh đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh PCTN . Các vụ án do cơ quan điều tra ở trung ương tiến hành điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành kiểm sát, sau đó ủy quyền cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử thì tỉ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung rất cao, có vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, làm kéo dài thời gian xử lý; việc áp dụng hình phạt còn nhẹ, có biểu hiện không nghiêm. Số vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho tài sản của Nhà nước được phát hiện, xử lý còn chậm. Đây là những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; các cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng.