Trung tướng, PGS. TS Trần Minh Thư (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an nhân dân):

An ninh cơ sở là bộ phận đặc biệt quan trọng của an ninh quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - PV: Ông đánh giá thế nào về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Đảng và Nhà nước ta hiện nay?
Lực lượng bảo vệ dân phố đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở

Lực lượng bảo vệ dân phố đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở

- Trung tướng Trần Minh Thư, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an nhân dân: Cơ sở ở đây hiểu theo nghĩa là các xã, thị trấn, phường, chủ yếu ở vùng nông thôn. Đặc biệt, vùng nông thôn nước ta có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vì có tới hơn 70% dân số ở nông thôn. Nông thôn cũng là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp lao động cho công nghiệp và thành thị, cung cấp nguồn tài nguyên cho đất nước cũng như xuất khẩu. Nông thôn cũng là thị trường rất lớn cho các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Chúng ta phát triển nông thôn cũng là tạo điều kiện cho kinh tế của đất nước phát triển. Vì vậy an ninh cơ sở mà thực chất là an ninh nông thôn có vai trò rất lớn đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Địa bàn rộng lớn của nông thôn cũng là nơi nhiều loại tội phạm hoạt động và cũng là nơi các thế lực thù địch cũng tập trung chống phá. Các vụ tranh chấp, khiếu kiện, gây rối, tụ tập đông người trong thời gian qua phần lớn cũng bắt đầu từ nông thôn. Cho nên nếu an ninh ở vùng nông thôn không đảm bảo thì an ninh quốc gia của chúng ta cũng không thể đảm bảo được, đặc biệt là ở những vị trí chiến lược như ở vùng biên giới, vùng tôn giáo dân tộc, vùng biển…

Như vậy, có thể nói an ninh nông thôn hay an ninh cơ sở là bộ phận đặc biệt quan trọng của an ninh quốc gia. Nhận thấy điều này, những năm qua Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng ở địa bàn nông thôn, ngành Công an cũng xác định an ninh nông thôn là an ninh quan trọng. Trước đây chúng ta đã có tổng kết về công tác đảm bảo an ninh nông thôn và ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết.

Hiện nay, an ninh nông thôn được tăng cường rất nhiều cả về lực lượng, phương tiện mà đặc biệt là chủ trương đưa Công an chính quy về xã. Đây là lực lượng được đào tạo chính quy về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ, là những người có bản lĩnh để có thể làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền nắm tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề mâu thuẫn ở địa phương.

Vì vậy trong thời gian qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực, trong nước rất phức tạp tác động xấu đến nông thôn, các thế lực thù địch, phản động hoạt động chống phá ở vùng nông thôn rất nhiều nhưng cơ bản chúng ta vẫn giữ vững được an ninh nông thôn, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Về mặt cơ bản, an ninh nông thôn được đảm bảo, đại đa số nhân dân phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sự đồng thuận rất cao ở vùng nông thôn.

- Theo ông, để đường lối, chủ trương của Đảng về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở phát huy được hiệu lực, hiệu quả chúng ta cần phải làm những gì?

Để đảm bảo chủ trương, đường lối của Đảng về công tác an ninh, trật tự ở cơ sở phát huy được hiệu lực, hiệu quả thì:

- Thứ nhất, phải chú trọng đến vấn đề con người. Con người là cốt lõi của mọi công việc. Đội ngũ cán bộ cơ sở từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến các ngành, đoàn thể thời gian qua đã được củng cố một bước nhưng hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhiều vấn đề xử lý còn lúng túng, chưa hiệu quả. Chúng ta cần phải củng cố hệ thống chính trị cơ sở, rà soát lại toàn bộ đội ngũ cán bộ Đảng, cấp ủy chính quyền, các ngành, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở như Bí thư, Chủ tịch, Trưởng công an xã Đội trưởng…

Phải đánh giá lại năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ để kiên quyết loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất ra khỏi bộ máy. Bởi những cán bộ yếu kém về năng lực, phẩm chất thì không thể triển khai được chủ trương, đường lối của Đảng. Khi hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh thì mới đủ sức thực hiện năng lực quản lý kinh tế - xã hội và quản lý, chỉ đạo công tác an ninh - quốc phòng ở cơ sở.

- Thứ hai, chúng ta phải rất quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hôi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ở vùng nông thôn, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chỉ có như vậy người dân mới nhận thức được những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, đủ sức nhận thức cái đúng, cái sai, từ đó mới đủ “sức đề kháng” trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, không bị lôi kéo vào các hoạt động phạm tội, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.

- Thứ ba, các lực lượng chức năng mà nòng cốt là lực lượng Công an phải làm tốt công tác nắm tình hình và phát hiện kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc nảy sinh trong nội bộ nhân dân để kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết dứt điểm, không để xảy ra mâu thuẫn, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy tất cả những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, những tranh chấp, khiếu kiện đều xuất phát từ việc chưa kịp thời nắm tình hình cơ sở, để tích tụ quá lâu mà không được giải quyết.

Khi mâu thuẫn nội bộ bùng phát sẽ dẫn tới mất an ninh, trật tự và dẫn đến rất các hoạt động vi phạm pháp luật, bị các đối tượng xấu bên ngoài tác động vào và trở thành vấn đề chính trị phức tạp. Do đó, các lực lượng chức năng phải có trách nhiệm chủ động phát hiện âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch ở vùng nông thôn để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Chúng ta phải tăng cường công tác vận động quần chúng nắm được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng nói chung và chủ trương, chính sách về công tác an ninh, trật tự nói riêng để phát huy xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát huy trách nhiệm cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, cần mở rộng dân chủ để người dân thể hiện được quyền làm chủ của mình trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… vì không có gì bằng việc người dân tự giải quyết, tự đảm bảo an ninh, trật tự cơ sở. Lực lượng Công an chỉ là người hướng dẫn, giúp đỡ để họ phát huy được tính tích cực để phục vụ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước.

Ở vùng tôn giáo, dân tộc cần phải phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc tôn giáo, người có uy tín để họ tham gia vào công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Qua đây, tôi cũng kiến nghị Bộ Công an nên tổ chức tổng kết công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở nông thôn trong 20 năm qua để chúng ta đánh giá những mặt đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp.

- Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Đây là cơ sở để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Luật này?

- Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ cơ là rất cần thiết. Bởi đây là văn bản có hiệu lực pháp lý cao, góp phần điều tiết các hoạt động liên quan đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở bằng pháp luật. Hiện nay, chúng ta đã có một số văn bản liên quan đến hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhưng vẫn còn chồng chéo, một số văn bản còn ở dạng Nghị định. Vì vậy, việc ban hành Luật sẽ tạo ra hành lang pháp lý cao để các đơn vị chức năng, các đơn vị thực thi pháp luật và các đơn vị bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có điều kiện để triển khai thực hiện. Đây là chủ trương rất kịp thời, rất sát, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đặt ra trong tình hình hiện nay để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

- Trân trọng cảm ơn ông!