An nhàn như kinh doanh điện

ANTĐ - Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, khi nền kinh tế còn rơi vào giảm phát thì ngành điện lại đột ngột tăng giá. Trong khi các chỉ số đầu vào để cấu thành giá điện đều không có biến động thì ngành điện lại tăng giá, hỏi sao người tiêu dùng đang mệt mỏi với túi tiền cạn kiệt lại không bức xúc. 

Có lẽ, nhiều người chưa thể quên được những lời trần tình của ông Phó Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối tuần vừa qua về việc bất ngờ tăng giá điện của ngành này. Chưa thể quên bởi sự vô lý đến hài hước trong câu chuyện kinh doanh hiện nay.

Khi được “chất vấn”, thì ông lý giải rằng, ngành điện bắt buộc phải tăng giá để bù các khoản lỗ lên tới 26.000 tỷ đồng của năm 2010 và năm 2011. Lỗ này không phải do EVN làm ăn yếu kém, mà do chênh lệch tỷ giá, rồi do phải mua điện giá cao, bán giá rẻ? Không chỉ năm 2012, mà từ nay đến 2015, mỗi năm ngành điện sẽ hạch toán bổ sung 6.600 tỷ đồng tiền thua lỗ vào giá điện. Và Phó Tổng Giám đốc EVN ngầm khẳng định, từ nay đến giai đoạn ấy, giá điện sẽ chỉ có tăng. 

Phát ngôn này vừa bung ra đã như đổ dầu vào lửa trong bối cảnh tất cả các ngành nghề đều khó khăn chồng chất. Nhiều người cho rằng, chẳng ai sướng như ngành điện, kinh doanh lãi, lương lãnh đạo lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng, lương nhân viên cũng cao ngất ngưởng thì không thấy nói sẽ giảm giá điện, vậy mà kinh doanh thua lỗ lại được tăng giá điện để bù lỗ. Cũng theo nhiều chuyên gia, ngành điện dùng đến ngoại tệ chủ yếu ở khâu nhập linh kiện, máy móc, thua lỗ thì phải tự chịu, móc tiền túi ra đền, không thể có chuyện bắt người tiêu dùng phải gánh hộ cái thua lỗ phi lý này.

Hơn nữa, dù ông Phó Tổng Giám đốc EVN khẳng định, thua lỗ do đầu tư ngoài ngành của EVN người tiêu dùng không phải gánh. Song, lời khẳng định này của ông chẳng mấy ai tin, bằng chứng là, giá điện lúc nào cũng chỉ lăm le tăng. So sánh, bộ máy nhân sự vận hành của EVN mới thấy, quá cồng kềnh. EVN đang quản lý hơn 26.000 MW mà có tới hơn 10 vạn cán bộ, công nhân viên trong khi ở Ấn Độ, cơ quan điện lực nước này quản lý hơn 300.000 MW nhưng chỉ cần tới hơn 4.000 cán bộ công nhân viên. Các nước khác trên thế giới cũng tương tự. Đây là một trong những yếu tố khiến giá thành điện cao.

 

Kinh doanh thua lỗ thì có người đứng ra gánh vác, trả nợ giúp, còn kinh doanh lãi lời cao thì mình lại được hưởng. Có lẽ đến giờ này, cũng chỉ ngành điện mới có cái phúc phận an nhàn trên thương trường như vậy.