Ấn Độ xây "đại công xưởng thông minh"

ANTD.VN - Khác với Trung Quốc là “đại công xưởng” chế tạo hàng hóa tiêu dùng, Ấn Độ đang phấn đấu trở thành một “đại công xưởng thông minh” sản xuất các sản phẩm công nghiệp và công nghệ cao của thế giới.

Ấn Độ xây "đại công xưởng thông minh" ảnh 1Với sáng kiến “Make in India” - Ấn Độ muốn trở thành trung tâm sản xuất của cả thế giới 

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Mobashar Jawed Akbar khi phát biểu tại Hội nghị đối tác Ấn Độ-Arab diễn ra ngày 14-12 ở Oman đã tuyên bố nước này sẽ trở thành đầu mối chế tạo của thế giới và đã là một trung tâm nghiên cứu và phát triển, sáng tạo cũng như khởi nghiệp công nghệ.

Ông Akbar nhấn mạnh, Ấn Độ đang sẵn sàng chuyển mình dưới sự lãnh đạo năng động của Thủ tướng Narendra Modi thông qua những thay đổi mạnh mẽ trong cải cách quản lý và điều hành nền kinh tế.

Ông Akbar cho biết, một trong những nền tảng quan trọng để trở thành một trung tâm chế tạo của thế giới là ngành khởi nghiệp ở Ấn Độ hiện có hơn 20.000 công ty, tạo ra trị giá hơn 80 tỷ USD và mang lại công ăn việc làm cho gần 325.000 người.

Bên cạnh đó, Ấn Độ còn một số lượng lớn những người trẻ tuổi, có học được tuyển dụng trong ngành công nghệ thông tin và lực lượng này đang tạo ra doanh thu hơn 170 tỷ USD và có lượng xuất khẩu đạt trị giá hơn 110 tỷ USD mỗi năm. 

Quyết tâm xây dựng Ấn Độ thành một trung tâm chế tạo được khởi động từ hơn 2 năm trước khi Thủ tướng Modi công bố sáng kiến “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) đầy tham vọng vào ngày 25-9-2014 nhằm biến quốc gia này thành sư tử trong nền kinh tế thế giới. Điểm khác biệt căn bản nhất của sáng kiến này so với những kế hoạch phát triển kinh tế trước đó của Ấn Độ là tập trung vào lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Sáng kiến “Make in India” đặt mục tiêu đưa Ấn Độ thành quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) số 1 thế giới để tạo nguồn lực và công nghệ chế tạo từ sản phẩm phần mềm, công nghệ cao… cho tới xe hơi, xây dựng, tàu ngầm, vệ tinh vũ trụ…  Chính phủ Ấn Độ mở cửa hầu như mọi lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực thuộc diện “cấm kỵ” với rất nhiều nước là quốc phòng.

Chính phủ Ấn Độ đã “trải thảm đỏ” đón chào các công ty nước ngoài; điều chỉnh mạnh chính sách, đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Ấn Độ xác định 25 lĩnh vực để tiến hành đơn giản hóa tối đa thủ tục và cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm linh kiện ôtô, hàng không, công nghệ sinh học, hóa chất, điện tử, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, da, dầu mỏ, khai thác mỏ, phát triển đường bộ, đường cao tốc.

Để thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, mọi hồ sơ xin cấp giấy chứng chỉ đầu tư đều được thực hiện qua mạng. Tất cả những trở ngại mà các nhà đầu tư bắt đầu kinh doanh hoặc đang làm ăn tại Ấn Độ sẽ được giải quyết trong vòng 72 giờ, nếu họ không có những thay đổi về chính sách đầu tư. 

Đánh giá về sáng kiến “Make in India” sau 2 năm, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, Ấn Độ đang trở thành một trong các hướng ưu tiên của dòng vốn đầu FDI khi tính tới tháng 9-2016, đơn đặt hàng các sản phẩm tại Ấn Độ tăng với tỷ lệ cao nhất trong vòng 14 tháng qua. Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng, Ấn Độ đang trên đường trở thành động lực tăng trưởng của thế giới và sự thành công bước đầu của “Make in India” được kỳ vọng góp phần đưa quốc gia này trở thành đầu máy kéo nền kinh tế thế giới đi lên.