Ấn Độ và Trung Quốc lại ganh đua khi xây đập trên sông Brahmaputra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Ấn Độ đang xem xét kế hoạch xây dựng một dự án thủy điện 10 gigawatt ở Arunachal Pradesh, bang miền Đông nước này nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án đập Trung Quốc ở thượng nguồn.

Các đập trên sông Brahmaputra có khả năng phát triển thành một “điểm nóng” khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Các đập trên sông Brahmaputra có khả năng phát triển thành một “điểm nóng” khác giữa Trung Quốc và Ấn Độ

Các công trình này có liên quan đến con sông Brahmaputra của Ấn Độ, Trung Quốc gọi là Yarlung Tsangpo, chảy từ Tây Tạng vào bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và qua bang Assam đến Bangladesh. Các nhà chức trách Ấn Độ lo ngại các dự án của Trung Quốc có thể gây ra lũ quét hoặc tạo ra tình trạng khan hiếm nước.

“Việc cần thiết hiện giờ là có một con đập lớn ở Arunachal Pradesh để giảm thiểu tác động tiêu cực của các dự án đập của Trung Quốc”, ông TS Mehra, một quan chức cấp cao trong Bộ về nước của liên bang Ấn Độ nói với hãng tin Reuters. “Đề xuất của chúng tôi đang được xem xét ở cấp cao nhất trong chính phủ”, ông Mehra nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất, với việc quân đội hai bên biên giới đối địch nhau suốt nhiều tháng ở phía Tây dãy Himalaya. Một số nhà phân tích cảnh báo rằng đập trên sông Brahmaputra có khả năng phát triển thành một “điểm nóng” khác, khi các hoạt động xây dựng đập của Bắc Kinh tiến gần hơn đến biên giới Ấn Độ.

Hôm 30-11, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin nước này có thể xây dựng nhà máy thủy điện công suất lên đến 60 GW trên sông Brahmaputra. Yan Zhiyong, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, cho biết kế hoạch xây dựng con đập này là một “cơ hội lịch sử”.

“Về mặt hình thức, chúng tôi nói với người Trung Quốc rằng bất kỳ dự án nào của họ đều không được gây ra tác động bất lợi cho Ấn Độ. Họ đã hứa đảm bảo nhưng chúng tôi không biết sự đảm bảo của họ sẽ kéo dài bao lâu”, ông Mehra nói.

“Các nước láng giềng ở hạ nguồn của Trung Quốc có lý do chính đáng để lo ngại. Dòng nước sẽ bị gián đoạn”, ông Sheikh Rokon, Tổng thư ký của các nhà vận động môi trường Riverine People ở Bangladesh cho biết và nhấn mạnh, một cuộc thảo luận đa phương nên được tổ chức trước khi Trung Quốc xây dựng bất kỳ con đập nào.