Ấn Độ - Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc quân sự vào năm 2045

ANTĐ - Một kịch bản cho tình hình thế giới vừa được dựng lên bởi Bộ Quốc phòng Anh, cho biết vào năm 2045, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có khả năng trở thành cường quốc quân sự trên thế giới với mức ngân sách quốc phòng ngang ngửa Mỹ.

Trung tâm Học thuyết, Khái niệm và Sự phát triển thuộc Bộ Quốc phòng Anh vừa đăng tải một tài liệu nghiên cứu có tên “Xu hướng chiến lược thế giới – đến năm 2045”, trong đó dựng lên một viễn cảnh thế giới quân sự 30 năm tới. Tài liệu này đưa ra đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như năng lượng, nguồn khoáng sản, xung đột và tỉ lệ người nhập cư.

Ấn Độ - Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc quân sự vào năm 2045 ảnh 1Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tiếp tục đầu tư vào quốc phòng và trở thành cường quốc quân sự thế giới  

“Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc và Ấn Độ chưa thể vượt qua được Mỹ về mặt công nghệ trong năm 2045, nhưng nó có thể sánh ngang trên phương diện quy mô. Cả 2 nước sẽ tìm cách mở rộng tầm vóc và công nghệ của lực lượng vũ trang, bao gồm việc duy trì cho hải quân có khả năng thực hiện cả các nhiệm vụ trong khu vực lẫn biển xa”, tài liệu trên cho biết.

Phân tích về khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương đã chỉ ra rằng khả năng quân sự của các nước sẽ đều phát triển, tuy nhiên chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể vươn lên trở thành một cường quốc quân sự trên thế giới. 

Mặc dù Ấn Độ nhiều khả năng sẽ chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn Anh, nước này vẫn sẽ phải cố gắng vượt qua các vấn đề chính trị trong nước để đầu tư hợp lí hơn vào các dự án quân sự.

Trong khi, Trung Quốc và Mỹ sẽ có mức ngân sách quốc phòng ngang nhau và có thể vượt xa phần còn lại của thế giới trong năm 2045, Ấn Độ sẽ có mức ngân sách tương đương số tiền mà cả EU gộp lại, tài liệu trên nêu rõ.

Ngoài ra, có thể Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ sẽ cùng nhau dẫn đầu các hoạt động về nghiên cứu và phát triển quốc phòng nhằm tăng cường khả năng quân sự. Trung Quốc cũng có thể sánh ngang được với một vài nước châu Âu trong các lĩnh vực công nghệ trong vòng 30 năm tới.
Nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Trung Quốc vẫn sẽ là những cường quốc vượt trội trong khu vực, tài liệu trên nhận định rằng cách 2 nước này điều hành nhu cầu trong nước và phương án quản lí nội bộ sẽ vô cùng quan trọng với sự phát triển của khu vực.