Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới

ANTĐ - Trước khi kết thúc năm nay, Ấn Độ sẽ tiếp tục nhận thêm 6 tiêm kích hạm MiG-29KUB để trang bị cho tàu sân bay "Vikramaditya”, nâng tổng số máy bay loại này lên con số 13 trên tổng số 45 chiếc tiêm kích hạm.

Ấn Độ: Cường quốc tàu sân bay thế giới tương lai

Trong một tuyên bố tại Moscow ngày 21-4, ông Sergei Korotkov Tổng Giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Nga (RAC) "MiG" sẽ bàn giao cho Ấn Độ 6 chiến đấu cơ MiG-29KUB để trang bị cho tàu sân bay "INS Vikramaditya", phía Ấn Độ cũng đã nhận 7 máy bay tương tự vào năm 2013.

Ông nhắc lại rằng, các chuyên viên của RAC đang tham gia huấn luyện cho 10 phi công Ấn Độ những thao tác cho tiêm kích hạm MiG-29K/KUB cất, hạ cánh trên boong tàu sân bay. Đồng thời, nhóm chuyên gia Nga phụ trách bảo hành sẽ hiện diện ở căn cứ Karwar trong vòng một năm, để kịp thời khắc phục những sự cố xảy ra và bảo đảm những vấn đề kỹ thuật khác.

Ngày 7-2 vừa qua, chiếc tiêm kích hạm MiG-29K đầu tiên của Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống tàu sân bay “INS Vikramaditya” - kể từ khi nó về nước vào đầu tháng 2, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của hải quân nước này, chính thức sở hữu năng lực tác chiến biển xa với biên đội tàu sân bay thực thụ.

Năm 2004, Ấn Độ đã ký hợp đồng với Nga cải tạo nâng cấp tàu sân bay INS Vikramaditya từ nguyên mẫu khu trục hạm chở máy bay “Đô đốc Gorshkov”. Tàu sân bay này có lượng giãn nước 45.000 tấn, tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ và tầm hoạt động 13.500 hải lý (25.000 km) ở tốc độ hành trình 18 hải lý/giờ. 

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 1

Biên đội tàu sân bay Ấn Độ INS Vikramaditya có năng lực tác chiến rất mạnh


Điểm đặc biệt là Vikramaditya được trang bị Hệ thống tên lửa phòng không hạm tầm xa (LRSAM) Barak-8 do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và công ty Israel Aerospace Industries (IAI) hợp tác phát triển từ năm 2007.

Theo kế hoạch, hệ thống tên lửa này sẽ phải sẵn sàng trang bị cho tàu sân bay Vikramaditya vào năm 2014, khi nó trở về Ấn Độ nhưng hiện nay, thời hạn này đã lùi sang năm 2015. LRSAM bao gồm một radar đa chức năng, một radar 3D băng tần S, một hệ thống chỉ huy, kiểm soát và 4 bệ phóng, mỗi bệ gồm 8 quả tên lửa phòng không.

Ngoài ra, Vikramaditya được trang bị một số trang bị, vũ khí khác như: Hệ thống gây nhiễu điện tử tiên tiến, một hệ thống pháo bắn nhanh AK-630 để đánh chặn tên lửa và máy bay ở cự li gần. Ngoài ra, nó còn được trang vài bệ pháo hạm cỡ nòng 20mm và 30mm.

Trong khuôn khổ kế hoạch đối phó với sự lấn sân của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, khống chế tuyến hành trình chiến lược trên biển, tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ mang tên INS Vikrant đã được hạ thủy vào ngày 12-08-2013, chiếc thứ 2 mang tên INS Vishal cũng đang được chế tạo.

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 2

Tàu sân bay quốc nội INS Vikrant trong lễ hạ thủy


Dự kiến, tàu sân bay đầu tiên INS Vikrant đến năm 2015 sẽ được biên chế chính thức, chiếc thứ 2 là INS Vishal sẽ được bàn giao cho hải quân nước này vào năm 2018. Đến lúc đó, Ấn Độ sẽ sở hữu 3 biên đội tàu sân bay rất mạnh.

Cả 2 hàng không mẫu hạm quốc nội của Ấn có lượng giãn nước hơn 40.000 tấn đều được áp dụng công nghệ Nga. Trong tình huống cần chiếm quyền kiểm soát không phận, nó có thể loại bỏ 10 máy bay trực thăng để mang theo tối đa 30 tiêm kích hạm MiG-29K và HAL Tejas Mark 2.

Còn thông thường, nó có thể chuyên chở 12 tiêm kích đa năng MiG-29K; 8 tiêm kích HAL Tejas Mark 2 (Ấn Độ tự chế tạo) và 10 trực thăng cảnh báo sớm Kamov Ka-31 hoặc trực thăng săn ngầm Westland Sea King. Tổng số nhân viên phục vụ khoảng 1.600 người.

Về hệ thống phòng vệ, Vikrant vũ trang hệ thống tên lửa hải đối không tầm xa (hệ thống phóng thẳng đứng) cùng hệ thống pháo bắn nhanh tầm gần, có thể đối phó đồng loạt với tên lửa đối hạm và máy bay đối phương. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 4 pháo hạm siêu tốc OTO Melara 76mm, có tốc độ bắn 120 viên/phút, tầm bắn 30km. 

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 3

Tiêm kích hạm MiG-29K huấn luyện bay đêm


Hiện nay, Ấn Độ đang dẫn đầu trong cuộc đua tàu sân bay ở châu Á. Dự kiến đến giai đoạn 2018-2020, Ấn Độ sẽ vượt khỏi tầm châu lục, trở thành cường quốc hải quân trên thế giới. Điều này khiến Trung Quốc không khỏi lo âu, dẫn tới cuộc chạy đua quân lực trên biển Đông, biến châu Á-Thái Bình Dương trở thành vũ đài chạy đua tàu sân bay lớn nhất thế giới.

Lực lượng không quân hạm cực mạnh

Về lực lượng không quân hạm, Ấn Độ đã  mua sắm 16 máy bay tiêm kích hạm MiG-29K/KUB, số máy bay này đã hoàn tất bàn giao cho Ấn Độ năm 2011. Đến tháng 5-2013, nó chính thức được biên chế cho lực lượng hải quân. Năm 2012, Ấn Độ và Nga lại ký tiếp hợp đồng thứ 2 trị giá 1,5 tỷ USD để mua sắm thêm 29 chiếc tiêm kích hạm MiG-29K/KUB nữa.

Số máy bay này dự kiến sẽ được trang bị cho cả hàng không mẫu hạm quốc nội của Ấn Độ, đóng theo kiểu cầu bật truyền thống của tàu sân bay Nga. Đồng thời Ấn Độ cũng đã triển khai xây dựng công trình huấn luyện cất, hạ cánh trên mặt đất cho lực lượng này đặt tại thành phố Goa, ở khu vực tây nam Ấn Độ.

Ngày 11-5-2013 vừa qua, Hải quân Ấn Độ đã biên chế hoạt động phi đội máy bay chiến đấu MiG-29K/KUB đầu tiên mang tên "Báo đen" (Black Panthers). Phi đội mang số hiệu 303 này bao gồm 12 chiếc máy bay chiến đấu MiG-29K một chỗ ngồi và 4 chiếc MiG-29KUB hai chỗ ngồi.

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 4

Tiêm kích huấn luyện phiên bản 2 chỗ ngồi MiG-29KUB


MiG-29K thiết kế với buồng lái một chỗ ngồi (hoặc 2 chỗ ngồi với biến thể huấn luyện MiG-29KUB), có chiều dài 17,3m, cao 4,4m, sải cánh 11,99m, trọng lượng cất cánh tối đa 24,5 tấn.

MiG-29K và MiG-29KUB tương đồng với nhau về mặt thiết kế và kết cấu máy bay. Chỉ một điểm khác biệt duy nhất là ở phiên bản chiến đấu 1 chỗ ngồi MiG-29K, chỗ ngồi sau (như trên phiên bản huấn luyện MiG-29KUB) được thiết kế làm khoang thiết bị và bình nhiên liệu.

MiG-29K/KUB trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy RD-33MK cung cấp lực đẩy 88,2kN/chiếc, tuổi thọ 4.000 giờ. Nó cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa tới 2.200km/h ở trần bay cao hoặc 1.400km/h ở trần bay thấp, bán kính chiến đấu 850km, trần bay cao tối đa 17,5km, vận tốc nâng không cực đại 330m/s.

MiG-29K sẽ đảm nhiệm vai trò tấn công cả ngày lẫn đêm với vũ khí dẫn đường chính xác cao; tác chiến phòng không; hộ tống; hỗ trợ mặt đất; chế áp hệ thống phòng không đối không; tấn công trên biển; trinh sát.

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 5

MiG-29K “tiếp dầu đồng đội” cho MiG-35


Đặc biệt, MiG-29K/KUB là tiêm kích hạm đầu tiên của Nga trang bị hệ thống tiếp tiếp nhiên liệu UPAZ cho phép nó thực hiện chức năng “Tiếp dầu đồng đội” (tiếp cho cả các máy bay chiến đấu khác dòng MiG-29 như MiG-35).

Về hệ thống radar điều khiển hỏa lực, MiG-29K có thể trang bị hệ thống radar Zhuk-ME có thể phát hiện mục tiêu diện tích phản xạ radar (RCS) 5m2 ở cách 120km, bắt bám cùng lúc 10 mục tiêu và dẫn tên lửa diệt 4 trong số đó đồng thời. Trong chế độ không đối hải, radar có thể phát hiện tàu khu trục cách xa tới 300km. Ngoài radar, MiG-29K còn có hệ thống trinh sát quang điện tử để tìm và bám mục tiêu bằng tia hồng ngoại.

Về trang bị vũ khí, MiG-29K được lắp đặt pháo 30mm (cơ số 100 viên đạn) trong thân và 8 giá treo trên cánh và thân mang tới 5,5 tấn vũ khí tấn công đối không, đối đất và đối hải.

MiG-29K mang hầu hết các loại vũ khí đối không, đối đất, đối hải có trong trang bị của quân đội Nga hiện nay. Trong tác chiến chống tàu mặt nước, MiG-29K mang được 2 loại tên lửa chống tàu gồm: loại siêu thanh thế hệ Kh-31 và loại cận âm Kh-35 đạt tầm bắn 130km.

Ấn Độ trên đường trở thành cường quốc tàu sân bay thế giới  ảnh 6

Tiêm kích hạm MiG-29K mang tên lửa chống hạm tầm xa Kh-31UE, tầm phóng 260km


Tiêm kích hạm MiG-29K được đánh giá cao hơn cả Su-33 của Nga và J-15 của Trung Quốc, đặc biệt khi nó được trang bị phiên bản tên lửa không đối hạm thế hệ mới nhất, tiên tiến nhất của Nga là Kh-35UE có tầm bắn 260km, có khả năng tấn công ngoài tầm phòng thủ của mọi hệ thống phòng không hạm.

Trong thông tin giới thiệu về loại tên lửa chống hạm thế hệ mới nhất này, tính năng ưu việt nhất của nó thể hiện ở điểm, với kích thước và trọng lượng không đổi nhưng phạm vi tấn công đã được tăng lên gấp đôi. Đây cũng là lần đầu tiên một loại tên lửa tấn công đối hải được lắp đặt trên một tiêm kích hạm dòng Fulcrum.

Với phiên bản chống hạm tầm xa này, MiG-29K đã thể hiện năng lực chế áp trên biển cực mạnh, nâng khả năng tác chiến của hàng không mẫu hạm Ấn Độ lên một tầm cao mới, biến hải quân nước này trở thành một “cường quốc biển xanh” tầm cỡ thế giới.