Ấn Độ muốn mua Armata của Nga để phát triển xe tăng tương lai

ANTĐ - Ngày 5-6, một chuyên gia quân sự Ấn Độ cho biết, nước này đang cân nhắc mua khung gầm Armata thế hệ mới của Nga hoặc một số bộ phận của chúng để sử dụng trên một loại xe tăng chiến đấu chủ lực tương lai.

"Ấn Độ có kế hoạch phát triển xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của chính mình, nếu ngân sách cho phép, chúng tôi có thể sẽ mua khung gầm Armata, hoặc ít nhất là một số bộ phận của chúng, để nghiên cứu và sử dụng cho mẫu xe tăng mới của chúng tôi", ông Samir Patil, một chuyên gia quốc phòng thuộc trung tâm phân tích Gateway House của Ấn Độ, cho biết.

Ông đưa ra bình luận trên, sau tuyên bố hôm 4-6 của cố vấn tổng thống Nga phụ trách hợp tác quân sự-kỹ thuật Vladimir Kozhin về việc Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm đến việc mua xe tăng T-14 Armata, vốn vừa được công bố tháng trước tại Lễ kỷ niệm Ngày chiến thắng Phát xít ở Moscow.

Xe tăng chiến đấu chủ lực Armata của Nga trong Lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ

"Tôi cho rằng, Ấn Độ muốn mua một nền tảng chiến đấu như vậy cho các lực lượng vũ trang của mình," chuyên gia Samir Patil cho biết. Ông cũng không loại trừ khả năng hợp tác với Nga để phát triển loại "xe tăng của tương lai" rất cần thiết này cho Ấn Độ.

"Nga là nước duy nhất mà Ấn Độ đang hợp tác phát triển vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm PAK FA và máy bay vận tải đa năng ... Tôi nghĩ rằng một lý do khác mà chúng tôi muốn hợp tác phát triển xe tăng mới của Ấn Độ là sáng kiến 'Chế tạo tại Ấn Độ' do Thủ tướng Narendra Modi đề ra. Mục tiêu chính của sáng kiến này là nhằm thu hút đầu tư về vốn và công nghệ của nước ngoài tại Ấn Độ để nghiên cứu, phát triển và sản xuất chung", ông Patil nhấn mạnh.

Điều khiến xe tăng Armata nổi bật so với các đối thủ trong nước và nước ngoài là việc tổ lái được bảo vệ an toàn trong một khoang thép nhiều lớp tách biệt với khoang chứa đạn. Dòng xe tăng này hoàn toàn được vận hành bằng hệ thống máy tính và chỉ cần tổ lái 3 người.

Xe tăng có một tháp pháo không người lái, được điều khiển bằng kỹ thuật số từ xa bởi một nhân viên khác tại một vị trí riêng biệt. Với thiết kế như vậy, giới quân sự Nga tin rằng, cuối cùng nó sẽ được phát triển thành một chiếc xe tăng hoàn toàn tự động.

Nga có kế hoạch sẽ bắt đầu thay thế các xe tăng T-72, T-80 và T-90 hiện có trong biên chế bằng xe tăng T-14 Armata từ năm 2020.