Ấn Độ không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc

ANTĐ - Đó là tuyên bố của tân cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ - ông Ajit Doval trong một hội nghị về an ninh quốc tế được tổ chức ngày 21-10 tại Thủ đô New Delhi. 

Ấn Độ không nhượng bộ về chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc ảnh 1Tranh chấp biên giới lãnh thổ là trở ngại trong quan hệ ngoại giao giữa Trung -Ấn

Tờ Đa Chiều của người Hoa ở hải ngoại đưa tin, ông Ajit Doval khẳng định: “Trung Quốc là một nước láng giềng quan trọng, chúng tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để phát triển quan hệ với Trung Quốc ở mức tốt nhất. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ không nhượng bộ đối với các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ”. Vị tân cố vấn an ninh quốc gia này nhấn mạnh, Trung Quốc và Ấn Độ cần ngồi lại để giải quyết những bất đồng liên quan đến biên giới lãnh thổ một cách hữu nghị và trong thời gian sớm nhất. 

Vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ luôn là một trở ngại lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia có khoảng 2.000km đường biên giới chung. Năm 1962, một cuộc chiến tranh biên giới chớp nhoáng giữa Trung - Ấn đã xảy ra. Do vấn đề này đến nay chưa được giải quyết nên hai bên thường xuyên cáo buộc nhau xâm nhập lãnh thổ trái phép. Hồi tháng 9, ngay trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, quân đội hai nước đối đầu ở khu vực biên giới Chumar, thuộc vùng Ladakh - nơi Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Hàng trăm binh lính Trung Quốc đã xông vào Chumar để xây dựng một con đường trái phép trong lãnh thổ nước này. Trước đó, Trung Quốc cũng từng phản đối Ấn Độ thiết lập một trạm quan sát trên núi ở khu vực Chumar và xây dựng một kênh thủy lợi ở Demchok (Ladakh).

Không chỉ vướng vào tranh chấp trên đất liền, trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục bành trướng trái phép. Một bài viết đăng trên tờ SCMP của Hồng Kông ngày 21-10 dẫn nhận định của một số chuyên gia cho biết, Trung Quốc đang biến bãi đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan Lý Tường Trụ thẳng thắn cho hay, Trung Quốc Đại lục đang tiến hành 7 dự án xây dựng trên Biển Đông, trong đó 5 dự án được Chủ tịch Tập Cận Bình phê chuẩn. Giáo sư Kim Xán Vinh thuộc khoa Quan hệ Quốc tế, trường Đại học Nhân dân Trung Quốc còn cho biết, kế hoạch xây đảo nhân tạo tại bãi đá Chữ Thập diễn ra nhanh hơn kế hoạch ban đầu. Nhiều nhà phân tích đã nhận định, Trung Quốc mưu đồ xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm củng cố ý đồ “nuốt” trọn gần hết Biển Đông.