Ấn Độ hình thành bộ 3 SLBM siêu mạnh trên tàu ngầm hạt nhân

ANTĐ - Ngày 24-3, Ấn Độ đã phóng thử thành công một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây là loại SLBM thứ 3 của nước này, có tầm bắn xa nhất từ trước đến nay.

Theo các nguồn tin quốc phòng Ấn Độ, quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm này có tầm bắn hơn 2.000km, được cho là mang tên K-4, đã được phóng thử từ một phao ngầm ở Vịnh Bengal hôm thứ 2.

Vụ phóng này đã được đưa ra thảo luận trong cuộc họp thường niên của ban giám đốc DRDO có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng A. K. Antony và cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon.

Loại SLBM mới này, thuộc loại tên lửa tầm xa nhất trong kho tên lửa phóng từ tàu ngầm đã được Ấn Độ phát triển. Tên lửa thuộc seri “K” (các tên lửa phóng từ dưới nước) của DRDO, sẽ phải được thử nhiều lần nữa, trước hết là từ các phao nổi và sau đó là từ tàu ngầm, trước khi có thể được biên chế hoạt động.

Với sự thành công này, Ấn Độ đã có khả năng phóng các tên lửa hạt nhân tầm xa từ cả trên không, trên mặt đất và ngầm dưới nước, có nghĩa là nước này đã hoàn thành phát triển bộ ba hạt nhân vốn chỉ có một số ít nước sở hữu như Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc.

Ấn Độ hình thành bộ 3 SLBM siêu mạnh trên tàu ngầm hạt nhân  ảnh 1

Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-15

Dự kiến, loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm này sẽ được triển khai trên nhiều bệ phóng khác nhau, trong đó có chiếc tàu ngầm hạt nhân nội địa 6.000 tấn INS Arihant, chuẩn bị được chạy thử trên biển.

Trước đó, Ấn Độ đã nhiều lần thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-15 tầm bắn 750km từ phao nổi, nhưng chưa lần nào được phóng thử từ tàu ngầm. Việc này sẽ chỉ diễn ra sau khi chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công quốc nội đầu tiên, mang tên INS Arihant được thử nghiệm trên biển vào cuối năm nay.

Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant được thiết kế để mang 4 tên lửa K-4 hoặc 12 tên lửa K-15.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm K-4 do Ấn Độ tự phát triển là một loại tên lửa đạn đạo tầm trung, theo thiết kế, tên lửa có tầm bắn khoảng 3.000-3.500km, và có thể được phóng từ độ sâu khoảng 50m dưới mặt biển. Tên lửa đạn đạo K-4 có chiều dài khoảng 12 mét, đường kính 1,3 mét, trọng lượng phóng khoảng 17 tấn, và có khả năng mang theo đầu đạn nặng khoảng 2 tấn. 

Ấn Độ hình thành bộ 3 SLBM siêu mạnh trên tàu ngầm hạt nhân  ảnh 2

Tàu ngầm hạt nhân tấn công đầu tiên của Ấn Độ là “INS Arihant”

Tên lửa K-4 sử dụng động cơ nhiên liệu đẩy rắn, thiết kế của nó là một sự kết hợp giữa tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tốc độ siêu thanh nên rất khó đánh chặn. Tên lửa này được đánh giá là loại tốt nhất trong seri “K”. 

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ tàu ngầm mang tên là K-5. Loại tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân này đạt tầm bắn 1500km. Sau vài cuộc phóng thử thành công nữa, K-5 sẽ được biên chế trên các tàu ngầm hạt nhân Ấn Độ vào năm 2016.

Như vậy Ấn Độ đã sở hữu 3 loại tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với tầm phóng lần lượt 750km, 1500km và trên 3000km, hình thành một phạm vi tấn công từ tầm ngắn đến tầm trung rất đa dạng. Vấn đề còn thiếu của họ là một tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm, có tầm phóng trên 5000km.

Mặc dù phát triển muộn hơn nhưng có vẻ như Ấn Độ đang về đích trước Trung Quốc trong việc phát triển các hệ thống vũ khí cho tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-1, JL-2 của Trung Quốc dường như đang dậm chân tại chỗ bởi những khó khăn về kỹ thuật.