Ấn Độ đáp trả Pakistan bằng một vụ thử tên lửa hạt nhân

ANTĐ - Ngày 16-4, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni III có khả năng mang đầu đạn hạt nhân do nước này tự chế tạo từ một căn cứ quân sự ở ngoài khơi bờ biển bang miền đông Odisha.

Vụ phóng thử hôm nay của Ấn Độ diễn ra đúng một ngày sau khi đối thủ láng giềng Pakistan phóng thành công tên lửa đạn đạo tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân Ghauri-I (Hatf-5) từ một địa điểm bí mật.

“Tên lửa đạn đạo đất đối đất này, có tầm bắn hơn 3.000km, đã được phóng từ Đảo Wheeler ở ngoài khơi bờ biển Odisha. Vụ phóng thử đã thành công”, các nguồn tin quân sự nước này cho biết.

Tên lửa đạn đạo Agni-III của Ấn Độ

Tên lửa được các nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh các lực lượng chiến lược (SFC) tiến hành từ một bệ phóng di động trong khuôn khổ của một cuộc diễn tập huấn luyện thường xuyên của người sử dụng.

Agni-III là tên lửa đạn đạo tầm trung 2 giai đoạn, sử dụng nhiên liệu đẩy rắn. Tên lửa dài 20m, có trọng lượng phóng 17 tấn và có thể mang được một đầu đạn nặng tới 1,5 tấn. Tên lửa đã được biên chế cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ.

Ngoài ra, Ấn Độ đã biên chế hoạt động các tên lửa Agni-I tầm bắn 700km, Agni-II tầm bắn 2.000km, Agni-IV có tầm bắn hơn 3.500km và tên lửa Agni-V mới nhất dự kiến sẽ được biên chế hoạt động vào năm 2016, sau một vài vụ thử nữa.

Trong khi đó, nước này còn đang nghiên cứu và phát triển loại tên lửa đạn đạo tầm xa Agni-VI với tầm bắn lên đến 10.000km, và có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân dẫn hướng độc lập.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ và Pakistan thường xuyên phóng thử tên lửa đạn đạo chiến lược theo kiểu ăn miếng, trả miếng. Cứ nước này khơi mào tiến hành một vụ phóng thử, thì ngay lập tức trong thời gian ngắn sau nước kia cũng tiến hành phóng thử một tên lửa tương tự, khiến mối quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng hơn.