Ấn Độ: Cuộc biểu tình của nông dân và vấn đề “linh hồn nông thôn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những người nông dân Ấn Độ đã rời bỏ nhà cửa hơn 2 tháng trước để kéo về Thủ đô New Delhi, yêu cầu bãi bỏ luật mà họ tin rằng sẽ chấm dứt chế độ giá sàn và buộc họ phải bán cho các tập đoàn hùng mạnh thay vì thị trường do chính phủ điều hành.
Những người nông dân diễu hành ở Thủ đô New Delhi vào Ngày Cộng hòa của Ấn Độ

Những người nông dân diễu hành ở Thủ đô New Delhi vào Ngày Cộng hòa của Ấn Độ

Bất chấp sự tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ, gần một nửa dân số Ấn Độ sống dựa vào trồng trọt trên những mảnh đất nhỏ và nông dân lo lắng rằng, nếu không có giá đảm bảo, họ sẽ buộc phải bán đất và mất kế sinh nhai. Điều này gợi nhớ đến phong trào biểu tình ở Mỹ trong quá khứ. Thập niên 1970-1980, hàng nghìn nông dân Mỹ bị mất đất, một phần do các chính sách của chính phủ khiến lãi suất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm xuống. Ở Iowa - một trong những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vào năm 1983 đã diễn ra khoảng 500 cuộc đấu giá trang trại mỗi tháng khi các gia đình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán đất.

Ông Andrew Flachs - Giáo sư nhân chủng học tại Đại học Purdue, cho biết: “Những cuộc biểu tình này đã vượt ra ngoài dự luật bởi vì đó là câu chuyện lớn hơn liên quan đến sự tồn tại của nông thôn Ấn Độ, giống như ở vùng Midwest của Mỹ trước kia. Chúng tôi luôn nói về tinh thần trọng nông của Mỹ hay linh hồn của vùng nông thôn Mỹ và điều này tương tự như ở Ấn Độ hiện nay”.

Sau khủng hoảng, nhiều người Mỹ ở nông thôn đã có thể thích nghi, chuyển đến thành phố và tìm việc làm, nhưng nhà nhân chủng học xã hội Aninhalli Vasavi ở Bengaluru cho biết, nông dân ở Ấn Độ có rất ít lựa chọn. Ngay cả khi thực tế kinh tế buộc họ phải rời bỏ nhà cửa ở nông thôn, họ vẫn phải vật lộn ở các khu vực thành thị. “Ấn Độ chưa có một cơ sở công nghiệp đáng kể để thu hút một lượng lớn dân số vào các khu công nghiệp hoặc thành thị. Thay vào đó, một số lượng lớn người di cư từ nông thôn đang “hòa nhập bất lợi” vào ngành xây dựng và đô thị cấp thấp”, ông Vasavi nói.

Những thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt là phổ biến đối với nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á, nơi đất nông nghiệp bị phá bỏ, nhường chỗ cho các dự án bất động sản hay xây dựng nhà máy, khiến nhiều người nông dân không được đền bù thỏa đáng và phải đi nơi khác tìm việc. Ở các quốc gia như Myanmar, Campuchia và Trung Quốc, nhiều người sống ở rìa các thành phố công nghiệp hóa nhanh, tìm công việc được trả lương thấp trong các công việc dịch vụ như tiệm massage, giao hàng… mà không được hưởng chế độ phúc lợi nào.

Tuy nhiên, người Ấn Độ làm nông nghiệp ở quy mô nhỏ, không canh tác quy mô lớn, dù họ đã thực hiện thành công Cách mạng Xanh vào những năm 1960 trong việc tăng sản lượng và giảm nạn đói trên diện rộng. Mặc dù nông nghiệp Ấn Độ có thể được coi là kém năng suất hơn các nước phát triển nhưng các nhà nghiên cứu cho biết, nông dân Ấn Độ là những người quản lý tốt đất đai, tránh một số hậu quả môi trường gặp phải như lạm dụng phân bón và canh tác quá mức làm suy kiệt đất.