Ấn Độ chỉ trích các chính sách bảo hộ thương mại của Trung Quốc

ANTD.VN - Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar ngày 9-9 đã chỉ trích Trung Quốc về những gì ông mô tả là chính sách thương mại một chiều, gây nghi ngờ về tiến trình đàm phán cho một hiệp định thương mại tự do châu Á.

Phát biểu trong một cuộc thảo luận ở Singapore, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Ấn Độ vẫn còn hoài nghi về việc tiếp cận thị trường “không công bằng” và “các chính sách bảo hộ” của người Trung Quốc, tạo ra thâm hụt thương mại đáng kể giữa hai quốc gia. Ấn Độ thâm hụt thương mại với Trung Quốc là 53,6 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào đầu tháng 3 năm nay.

Ấn Độ bị thâm hụt thương mại 53,6 tỷ USD mỗi năm với Trung Quốc

“Ấn Độ quan ngại lớn về quan hệ với Trung Quốc là điều tất nhiên, vì chúng tôi bị thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc”, ông Jaishankar trả lời câu hỏi về các cuộc đàm phán đang diễn ra đối với Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới có tên Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hiệp định RCEP sẽ bao gồm các quốc gia chiếm khoảng 1/3 Tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, với gần một nửa dân số thế giới cùng 40% thương mại thế giới. Đại diện các nước tham gia đàm phán hy vọng 10 nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đạt được thỏa thuận RCEP cuối năm nay. Bộ trưởng 16 nước tham gia đã tái khẳng định quyết tâm này trong hội nghị ở Bangkok vào cuối tuần qua.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa, tại một cuộc họp cấp bộ trưởng nhằm thảo luận về RCEP vài tuần trước, kêu gọi các nước liên quan có quan điểm linh hoạt hơn trong việc tiếp cận thị trường để thúc đẩy đàm phán.

Ấn Độ đã công khai phản đối việc hạ thuế suất và mở rộng tiếp cận thị trường với sản phẩm nước ngoài như một điều khoản của Hiệp định, nhưng Bộ trưởng Thương mại Anup Wadhawan, trưởng đoàn đàm phán ở Bắc Kinh cũng cho rằng New Delhi không phải là một trở ngại trong việc đạt được Hiệp định này.