Ấn Độ: Bắt 8 “yêu râu xanh” hãm hiếp, giết hại một phụ nữ trầm cảm

ANTĐ - Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 8 người đàn ông vì tội hãm hiếp và giết chết một người phụ nữ Nepal bị bệnh trầm cảm.

Vụ việc xảy ra chỉ một tháng sau khi cảnh sát Ấn Độ bắt giữ 5 người đàn ông cưỡng hiếp một sinh viên Nhật Bản. Cảnh sát nước này nói rằng đây được coi là vụ án khủng khiếp nhất khi nạn nhân bị hãm hiếp tập thể đến chết và thi thể tìm thấy trong tình trạng không nguyên vẹn.

Giới chức an ninh cho biết nạn nhân là một phụ nữ Nepal 28 tuổi, đến thị trấn Rohtak vài tháng trước để sinh sống cùng chị gái và điều trị bệnh trầm cảm tại một bệnh viện địa phương.

“Khi ở Nepal, em gái tôi bị bệnh trầm cảm khá nặng và nó nói muốn sống cùng chị gái một thời gian. Năm ngoái, chúng tôi đã đưa nó đến nhà chị gái để điều trị thường xuyên”, anh trai của nạn nhân nói với tờ The Indian Express.

Nạn nhân mất tích cách đây 8 ngày, hôm 4-2, cảnh sát đã tìm thấy thi thể của cô gái trên một cánh đồng gần đường cao tốc, cách nhà khoảng 18km. Một cuộc khám nghiệm tử thi đã chứng tỏ cô bị tấn công tình dục nhiều lần trước khi chết.

Một cuộc biểu tình do chị gái nạn nhân dẫn đầu

Các bác sĩ tiến hành khám nghiệm tử thi nói với kênh truyền hình NDTV rằng họ “chưa bao giờ nhìn thấy một trường hợp khủng khiếp như vậy trong 29 năm sự nghiệp của mình”.

"Cô gái bị một vật nặng đánh vào đầu đến bất tỉnh và bị hãm hiếp. Động vật đã ăn một phần cơ thể cô trước khi cảnh sát tìm thấy”, tiến sĩ SK Dhattarwal nói. Việc khám nghiệm tử thi cũng cho thấy rằng đá, lưỡi dao và gậy đã được sử dụng để tấn công và khống chế cô gái.

Hôm 9-2, cảnh sát trưởng bang Haryana ông Singhal nói với BBC rằng 8 trong số 9 người đàn ông bị cáo buộc các hãm hiếp và giết chết người phụ nữ trầm cảm đã bị bắt giữ.

Người biểu tình cầu nguyện dưới ánh nến cho nạn nhân 

Trước đó, vào hôm 8-2, hàng trăm người đã xuống đường ở Haryana và tổ chức cầu nguyện dưới ánh nến cho nạn nhân. Chị gái của cô gái, người dẫn đầu cuộc biểu tình tại Rohtak, đã cáo buộc cảnh sát chậm chạp trong việc điều tra vụ việc và bắt giữ kẻ có tội. "Cảnh sát đã không nhanh chóng bắt giữ các thủ phạm, chúng có thể bị bắt và bị treo cổ ngay lập tức. Tôi muốn công lý cho em gái tôi", cô nói.

Sau hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối bạo lực tình dục, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một luật pháp nhằm thắt chặt và giảm bớt số lượng các vụ án. Tuy nhiên, theo phóng viên BBC việc làm này đã không ngăn chặn được số vụ hiếp dâm và hành động tinh vi của tội phạm ở đất nước này.