Ấn Đền Trần vừa phát đã hết - "phe ấn" lộng hành

ANTĐ - Mặc dù tới 7h sáng 24-2, Ban tổ chức Lễ Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) mới chính thức phát lộc ấn cho du khách thập phương, nhưng ngay từ đêm 23, hàng nghìn người đã chen nhau vào đền…

Cơ quan chức năng hết sức để bảo vệ kiệu

Cướp kiệu rước, đoạt lộc đền

Để đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ rước kiệu khai ấn đền Trần, năm nay, TP Nam Định đã huy động hàng trăm chiến sỹ công an, CSCĐ phối hợp cùng lực lượng dân phòng, tự quản của địa phương lập nhiều chốt, phong tỏa toàn bộ khu vực làm lễ. Ngay từ 9h tối, lực lượng công an đã tiến hành di chuyển những người “không có nhiệm vụ” ra khỏi khu vực đền Thiên Trường - nơi tiến hành khai ấn. Lực lượng bảo vệ đông đảo là thế, nhưng khi đoàn rước tiến vào khu vực đền Thiên Trường, bất ngờ, cả trăm người đua nhau vượt qua rào sắt, trèo tường, xô đẩy lực lượng công an, bảo vệ áp sát đoàn rước.

Cơn mưa tiền bắt đầu trút xuống đoàn kiệu! Tiền giấy được vo viên, ném về phía kiệu khiến đoàn rước phải rất vất vả mới có thể tiến “về đích” an toàn. Đoàn rước kiệu nhanh chóng lập thành 3 lớp bảo vệ với vòng trong cùng là các nam thanh nữ tú, vòng thứ 2 là lực lượng công an, cảnh sát, và ngoài cùng là các thành viên đội tự quản, trật tự phải chống đỡ vô cùng cực nhọc trước những lớp sóng người đang hừng hực khí thế xông lên… cướp kiệu. Chen không được, đẩy không xong, một số chui xuống dưới tìm cách xâm nhập khu vực kiệu. Nhưng trước sự quyết tâm của đội ngũ bảo vệ, chiếc kiệu vẫn được bảo vệ an toàn. 

Đêm trước ngày… phát ấn

Ngay khi vừa kết thúc màn tranh cướp, cuối cùng những người ở ngoài cửa chính đền cũng kịp xô đổ hàng rào bảo vệ của đội CSCĐ tràn vào phía trong. Hầu hết trong số đó vạ vật trong khu vực đền chờ đến sáng sớm hôm sau để nhận lộc ấn. Cả nghìn con mắt chăm chăm nhìn về phía dãy nhà giải vũ đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và nhà trưng bày đền Trùng Hoa. Bên những tiếng khấn vái lầm rầm lúc nửa đêm mờ sáng, đâu đó là những tiếng thì thầm mua bán: “Được rồi, 50 ấn, 40 trấn trạch,… Yên tâm, sẽ có đủ cả”.

Nhiều người có trong tay tờ giấy hẹn hồ hởi tìm chốn ngả lưng, ăn khuya. Cũng có những người “lăn tăn” khi loa đài vẫn đều đều phát: “Du khách kiên quyết không mua bán ấn, yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm những trường hợp mua bán ấn không phải do nhà đền phát ra”. Nhưng tất cả đều được trấn an: “Ấn đương nhiên do nhà đền phát ra, các anh các chị không muốn xếp hàng chờ thì để chúng tôi mua giúp”.

Đâu đó vẫn có người kiên trì giữ chỗ xếp hàng. Trong đó, có người muốn thành tâm xin ấn nhưng cũng lắm kẻ chỉ đơn giản muốn mua với giá rẻ hơn hoặc ngồi chờ trả phiếu cho chắc ăn. Phía bên ngoài đền, lượng người đã bắt đầu vơi bớt, chỉ còn vài hàng quán bán đồ ăn đêm. Và đội ngũ ăn xin cũng bắt đầu bồng bế nhau chia địa bàn nằm la liệt dọc đường đi. Mỗi người một tâm trạng chờ trời sáng.

Du khách tràn vào cướp lộc đền

Loạn mua bán ấn

Mờ sáng, chúng tôi có mặt tại đền Thiên Trường chờ giờ phát ấn. Theo như quyết định mới, đền Trần sẽ bắt đầu phát ấn vào sáng 15 âm lịch (tức 24-2). Nhưng tại dãy nhà giải vũ đền Cố Trạch, trước giờ G đã bắt đầu nhận phiếu trả ấn. Tại đây, việc lấy ấn diễn ra rất trật tự. Theo giải thích của những cụ cao niên phát ấn tại đây, việc trả ấn là dành cho những ai đã đặt ấn từ trước Tết chứ không có chuyện tiếp tay cho những kẻ bán vé. Thế nhưng, có một lượng lớn ấn lại được những người mặc “áo xanh, áo xám” mới đêm hôm trước còn tham gia giữ trật tự. Có người ôm bọc hàng trăm ấn.

Hòa vào dòng người xếp hàng xin ấn, tôi nghe có người hỏi các cụ già mặc áo đỏ đứng sau hàng song sắt: “Bao nhiêu tiền một tấm hả cụ” - “Tùy tâm cháu… 15.000 đến 20.000 đồng thôi”. Lại thấy hàng bên cạnh có người nói: “Cho cháu xin 2 tờ”, lập tức có tiếng trả lời “Không công đức thì không được phát ấn”. Chốc chốc tôi lại thấy mấy người “áo xám, áo xanh” len từ phía ngoài vào chìa tờ giấy rồi ôm một bọc áo đi ra phía ngoài. 8h15 sáng 24-2, khi đoàn người vẫn đều đặn xếp hàng xin ấn tại đền Trùng Hoa thì lực lượng CSCĐ thông báo, tại đây tạm dừng phát ấn, mời du khách sang đền Thiên Trường và đền Cố Trạch để tiếp tục xin ấn. Bắt đầu có những người bức xúc quát tháo. Nhưng phần lớn đều nối dài thêm vào dãy giải vũ Đông và Tây đền Thiên Trường mong nhận được ấn, bõ công xếp hàng cả đêm. 15 phút sau, trên hệ thống loa của nhà đền thông báo, đến lượt dãy giải vũ phía Tây đền hết ấn, mời mọi người chuyển sang đền Trùng Hoa và dãy giải vũ phía Đông. Cứ thế du khách bị đảo qua hết vòng này đến vòng khác, mấy ai kiên trì nổi đành bỏ ra tìm mua ấn ở ngoài.

Bà Lê Thị Hồng (77 tuổi) ngao ngán: “Cả gia đình tôi đi từ Thanh Hóa ra đây từ sáng sớm, nhưng không thể chen vào nổi. Đành mua ở ngoài với giá 25.000 đồng, vẫn còn rẻ lắm. Giờ hình như lên 50.000 đồng một tờ rồi”. Còn bác Đỗ Minh Tiến (Nam Định) thủng thẳng: “Đi lễ đền Trần bao năm rồi tôi biết, đã là ấn thì cái nào chẳng như cái nào. Tôi cứ túc tắc vào lễ hết các ban, ra mua lại cho đỡ nhọc”.

 

Vẫn biết Ban quản lý đền Trần luôn tìm mọi phương án để phục vụ du khách tốt nhất, để ai đến đây cũng được nhận lộc. Dẫu phương tiện truyền thông hay các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu có khẳng định về “bản chất thật của lá ấn” thì vẫn cứ vậy. Niềm tin, lòng tham có được lá ấn đền Trần để “quan lộ thênh thang” vẫn làm mờ mắt nhiều người, và rồi hết năm này qua năm khác người ta cứ chen nhau, giẫm đạp lên mọi luật lệ chốn linh thiêng, bỏ ngoài tai cái gọi là “văn hóa chốn tâm linh”. Kéo theo là tình trạng “phe ấn” lộng hành. Không biết đến bao giờ, đền Trần Nam Định mới hết là điểm nóng mùa lễ hội.