Nhà thơ Thanh Tịnh

“Ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân”

ANTĐ - Gọi ông là nhà thơ hay nhà văn đều đúng. Nhưng sao vẫn còn thấy thiêu thiếu một giá trị - một âm hưởng nào đấy về ông - ở ông. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình là người đầu tiên xướng lên âm hưởng ấy với tập sách mỏng mà dày “Giai thoại Thanh Tịnh” gần như ngay sau năm ông đổi cõi. Là đấy, chân dung người lữ thứ.

Con mắt tinh đời của hai nhà bình thơ Hoài Thanh và Hoài Chân trong sách “Thi nhân Việt Nam” xuất bản năm 1942 đã như hai nhà chiêm tinh học tiên đoán đúng những gì mà văn nhân Thanh Tịnh sẽ có chỉ với mấy câu ngắn: “Xem thơ Thanh Tịnh cái cảm giác trội nhất ở tôi là thấy một cái gì cứ dàn trải, dàn trải hoài mà lại lỏng. Có lẽ là một mặt hồ. Cũng chưa đúng. Hồ còn có bờ, có hình nhất định. Ở đây không có bờ và nước - âu cũng phải gọi là nước - cứ chảy tràn lan…”.

Sự nghiệp văn thơ của ông không có tập nào nổi tiếng. Văn, có bài viết ngắn: “Quê mẹ”. Thơ, “Hận chiến trường” thì khói lửa đã tan. Tập thơ viết cho trẻ em vào chặng cuối đời của ông “Đi giữa một mùa sen” ít người nhớ. Nhớ nhất và nhớ nhiều về ông là những giai thoại Thanh Tịnh gồm chuyện đời và chuyện nhân cách của ông. Ông không chuyên mãi về một dạng, một thể loại, một mảng đời sống nào mà như… một cái gì cứ dàn trải. Tựa tiểu sử của ông. Là học sinh trường dòng ở Huế, đỗ bậc thành chung, làm nghề hướng dẫn viên du lịch, dạy tư (giờ gọi là gia sư). Sau Cách mạng tháng Tám thành công là Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Trung bộ. Đầu quân, phụ trách Đoàn kịch Chiến thắng của quân đội rồi là Phó Chủ nhiệm - Chủ nhiệm tờ Văn nghệ Quân đội, rồi nghỉ chức vụ, chuyên sáng tác cho đến năm 1988.

Hồi phụ trách đoàn kịch, ông sáng tác kịch cương (không kịch bản văn học, nói miệng luôn) và độc tấu, tự trình diễn phổ biến rộng trong quân đội, ngoài nhân dân. Tên ông gắn liền với độc tấu. Ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ngay từ mấy năm đầu, từ chiến khu Việt Bắc chuyển về Hà Nội, ông đã thể hiện và thực hiện một số cải tiến - là sáng kiến trên mặt báo ở tờ Văn nghệ Quân đội, sau đấy, nhiều báo ở Thủ đô, rồi của cả nước làm theo. Như chuyên mục “Đoạn văn ngắn, Câu lạc bộ chiến sĩ, Những bài ca dao mới, Cuộc thi viết, thi vui”. Đặc biệt là “thi vui”. Dấu ấn Thanh Tịnh ở cuộc “thi vui” này thể hiện qua câu đố “Tìm tên con vật một chỉ sống được trên cạn, một sống được cả trên cạn và dưới nước, khi đọc ngược lại vẫn là hai con vật, một ở trên cạn, một cả hai nơi (đáp án là con cua, con rồng. Đọc ngược lại là con công, con rùa)”. Câu này do chính ông nghĩ ra hay sưu tầm trong dân gian tôi không rõ, nhưng đó là một chứng chỉ chất hài trong các bài tấu trước đấy và cũng là cái nguồn, cái chất giai thoại ở nơi ông rộ lên từ những năm cuối thập kỷ 50 và định hình còn mãi.

Bút danh của ông, cũng mang chất giai thoại. Ông sống một đời sống vật chất, tinh thần rất thanh tịnh: Không rượu, không thuốc lá, không trà đá, không la cà, chỉ uống nước lọc, quần áo giản dị… Quanh ông, không có một bóng hồng nào - kể cả bạn hữu là nữ giới. Trọn đời ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Các sáng tác của ông từ độc tấu, văn, thơ, giai thoại đều sáng trong, rõ ý, giàu tình cảm, vui, hóm.

Tôi cũng có chút kỷ niệm với ông khi còn làm việc ở Báo Thiếu niên Tiền phong (1964-1983). Một lần tôi bảo với Thanh Tịnh: “Chữ anh viết đẹp quá”. Ông trả lời “Để khỏi bị đánh sai”. Tôi giật mình: “Ông Thanh Tịnh ai mà dám đánh”. Tôi lại hỏi, lần này ông không cười “Là để khỏi bị đánh máy sai”. Không ít lần tôi tới thăm ông ở nhà số 4 Lý Nam Đế. Ông chỉ đôi giầy da để ngoài cửa bảo: “Quay vào là có nhà, quay ra hoặc không thấy giầy là đi vắng”. Lần cuối cùng tôi gặp ông là ở phòng truyền thống Đại đoàn quân Tiên phong đóng ở Xuân Mai (1984) thấy ông nở nang hơn trước. Tôi bảo : “Bụng anh dạo này tốt”. Ông lạnh mặt trả lời: “Tốt bụng thì xấu người”. Năm 1988, khi tôi đang ở Sài Gòn thì nhận được tin buồn. Ông đổi cõi.

Không nhớ tôi đã gặp ông bao nhiêu lần. Chưa lần nào thấy ông có bạn thân, người cùng sóng vai, ngồi cùng, trò chuyện (như cụ Kim Lân, ra đường là đi một mình). Ông bằng tuổi cha tôi, sinh cùng tháng cùng năm, chỉ khác ngày. Mới gặp tôi chào thưa là bác. Thanh Tịnh lắc đầu “Anh thôi…”.

Mỗi lần nhớ về ông, tôi lại nhớ đoạn mở đầu trong Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân. Lại trộm nghĩ, giai thoại về Thanh Tịnh phảng phất như là Trạng Quỳnh, Ba Giai, Tú Xuất của làng văn Việt Nam.