Vệ sinh an toàn thực phẩm

Ăn bẩn đến bao giờ?

ANTĐ - Là một địa phương có ngành chăn nuôi phát triển với đàn gia cầm, gia súc lớn nhất cả nước nhưng đến nay VSATTP giết mổ trên địa bàn TP Hà Nội rất đáng lo ngại. Trong khi vi phạm, tái phạm diễn ra nhiều thì Nghị định xử phạt theo Luật ATTP năm 2011 vẫn chưa thể áp dụng.

80% người tiêu dùng “dễ tính”

Vi phạm VSATTP tràn lan nhưng mức xử phạt quá nhẹ

Số liệu từ Sở NN&PTNT cho thấy, Hà Nội hiện có hơn 18 triệu con gia cầm với hơn 200.000 trâu bò, được đánh giá là địa phương có ngành chăn nuôi phát triển nhất cả nước. Theo đó, chăn nuôi trên địa bàn TP cung cấp gần 380.000 tấn thịt/năm, đáp ứng 60-65% nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán, đan xen trong khu vực dân cư, như chăn nuôi lợn hơn 70%, trâu bò 80%, cùng với đó là tận dụng các sản phẩm thừa từ sinh hoạt nên sản phẩm chất lượng cao mới đáp ứng được 20% nhu cầu. 

Trong 3 tháng đầu năm, đoàn kiểm tra liên ngành TP đã kiểm tra 572 cơ sở, xử lý tiêu hủy 32 trường hợp gồm gia cầm lông, thịt gia súc, nội tạng động vật, da trâu bò không rõ nguồn gốc, cảnh cáo 16 trường hợp, xử lý phạt tiền 29 trường hợp. Bên cạnh VSATTP trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ, kết quả giám sát trong lĩnh vực rau an toàn cho thấy, đã lấy 83 mẫu để phân tích dư lượng thuốc BVTV, dù mới có kết quả của 45 mẫu song đã phát hiện 5 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép. 

Bức xúc nhất hiện nay trên địa bàn TP vẫn là VSATTP trong giết mổ gia súc gia cầm. Ông Đăng cho biết, đã có 6 cơ sở giết mổ tập trung với dây chuyền hiện đại, công suất từ 300-500 con/giờ, nhưng hoạt động kém hiệu quả, một số đã phải đóng cửa hoàn toàn. Trong khi đó, vẫn còn hơn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư. Toàn TP cũng còn đến hơn 3.700 hộ giết mổ nhỏ lẻ, cung cấp 47% lượng thịt trâu bò, 37% lượng thịt lợn và 57% lượng thịt gia cầm. Đối với các hộ giết mổ nhỏ lẻ, ngành thú y gần như không kiểm soát được. “Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ hoạt động rất đa dạng, một số lại theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo VSATTP”, ông Đăng nói. Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là tâm lý người tiêu dùng, có đến 80% số người tiêu dùng được khảo sát cho biết, sẵn sàng chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo VSATTP. Đây là lí do khiến người sản xuất, kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật, luôn có ý thức chống đối, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Luật mới, mức xử phạt cũ

Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương bức xúc, trên địa bàn TP chỉ có 30 doanh nghiệp sản xuất TACN, nhưng qua kiểm tra 25 cơ sở thì có đến 24 cơ sở không thực hiện công bố nội quy theo quy định, 5 doanh nghiệp vi phạm về chất lượng không đúng tiêu chuẩn công bố. Theo bà Như Mai, việc kiểm tra chất lượng TACN đã khó, vì ngoài kiểm tra còn phải lấy mẫu phân tích, đó còn chưa kể đến sự thiếu hợp tác của cơ sở sản xuất thì việc giám sát VSATTP trong khâu lưu thông, kinh doanh càng khó hơn. “Luật ATTP đã có hiệu lực từ tháng 7-2011, nhưng đến nay, các địa phương chờ mãi vẫn chưa có nghị định xử phạt. Các địa phương rất tích cực đóng góp ý kiến, nhưng không hiểu phía các bộ, ngành ách tắc ở khâu nào, luật mới đã có nhưng mức xử phạt lại phải áp theo luật cũ”. Vị Phó Giám đốc Sở Công Thương này cũng nhận định, nếu xử phạt theo mức mới thì hành vi vi phạm trong VSATTP là rất nặng, có tính răn đe cao. “Xây dựng Nghị định xử phạt quá chậm trễ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến công tác VSATTP chưa có hiệu quả trong thời gian qua, các đối tượng vi phạm nhờn luật, vì mức xử phạt quá nhẹ. Lực lượng QLTT Hà Nội thời gian qua bắt giữ nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, tái phạm nhiều lần”, bà Như Mai nói. 

Đối với lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, theo bà Như Mai, cần một sự đầu tư rất lớn từ Nhà nước thì mới có thể làm được, chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh để hấp dẫn các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Song song với đó là quản lý giết mổ thủ công phải làm triệt để. Nếu không cấm được giết mổ thủ công thì nhà máy giết mổ có đầu tư hiện đại đến đâu cũng chỉ đắp chiếu. Bà Như Mai so sánh: “Thành phố có thể bỏ ra hàng chục tỷ đồng để đầu tư một con đường, nhưng nó không cấp bách bằng VSATTP giết mổ, vì liên quan đến sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng”. 

“Trong khi một số tỉnh miền Trung, miền Nam đã làm khá tốt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung thì các tỉnh miền Bắc lại làm rất kém, rất chậm. Chúng ta cứ đổ cho thói quen người giết mổ, tiêu dùng. Nhưng nếu cứ mãi chiều theo thói quen không tốt ấy, chúng ta đã tự kéo thấp thành quả của mình bấy lâu nay”, ông Nguyễn Xuân Dương,  Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi.

Tin cùng chuyên mục