Ẩm thực Việt sẽ đạt nhiều kỷ lục nếu biết quảng bá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam được mệnh danh là “thiên đường ẩm thực” với hàng nghìn món ăn từ 3 miền Bắc - Trung - Nam. Món ăn ở mỗi vùng miền lại có hương vị riêng, là sự kết hợp hài hòa giữa các loại gia vị và nguyên liệu, góp phần làm nổi bật ẩm thực Việt. Đó là lý do nước ta đã được Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) công nhận hàng loạt kỷ lục. Tiến sĩ Thang Văn Phúc - Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings) chia sẻ với An ninh Thủ đô về điều này.

- Phóng viên: Thưa TS Thang Văn Phúc, để có được những kỷ lục về ẩm thực Việt, chắc Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã phải nỗ lực rất nhiều?

- TS Thang Văn Phúc: Đây là hành trình khá công phu. Năm 2021, nước ta đạt 5 kỷ lục: Đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới; Đất nước sở hữu nhiều loại mắm và các món ăn chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới; Đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới; Đất nước có nhiều món cuốn ngon nhất thế giới; Đất nước có nhiều món ăn được chế biến từ hoa nhất thế giới. Tin vui nối tiếp khi cuối tháng 8 vừa qua, Liên minh Kỷ lục Thế giới đã xác nhận 6 kỷ lục thế giới mới (2022) về ẩm thực và đặc sản của Việt Nam, gồm: Việt Nam - đất nước có nhiều món xôi, chè độc đáo, hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều loại gia vị tự nhiên đặc sắc nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món ăn đường phố hấp dẫn và đa dạng nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều quà lưu niệm và quà tặng hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món ăn gia đình đặc trưng và hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước sở hữu nhiều món ăn được chế biến từ cây chuối nhất thế giới.

Đó là thành quả mà chúng tôi đã nỗ lực từ rất lâu. VietKings làm đã kỳ công rồi. nhưng WorldKings cũng rất sát sao, nghiêm ngặt trong việc thẩm định, xem xét. Hành trình đi tới 63 tỉnh, thành trong hơn 10 năm của chúng tôi được đánh giá cao khi có những số liệu cụ thể. Sau đó, hội chia thành 5 nhóm đặc trưng tương đối phổ thông và có ấn tượng nhiều nhất, chính là 5 kỷ lục mà chúng ta đạt được năm 2021.

Mỗi món ăn, nhóm món ăn có hàng loạt hình ảnh, tài liệu kèm theo. Mà đây là những tài liệu có cơ sở, thậm chí có hàng loạt tờ báo trong nước và quốc tế viết. Chúng tôi có danh sách, bảng thống kê rồi mới phân tích món ăn ở khía cạnh nguồn gốc, nguyên liệu, cách chế biến... Ngoài ra, VietKings còn đánh giá vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng, giá trị văn hóa...

- Ông vừa nói ẩm thực nước ta rất đa dạng và được chia làm 5 nhóm. Nhưng tôi nghĩ, việc chia nhóm đó chỉ là tương đối thôi vì nhiều món ăn có thể ở nhiều nhóm khác nhau?

- Chính xác là như vậy! Đây cũng là vấn đề mà chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều khi chia nhóm các món ăn để đề xuất với thế giới. Một món ăn thuộc nhiều nhóm khác nhau cũng là bản sắc ẩm thực Việt. Ví dụ phở là món ăn đặc trưng, nổi tiếng và có từ rất lâu. Đặc biệt, hương vị của phở ở mỗi vùng miền lại khác nhau. Ngoài ra, phở còn có nhiều loại như phở gà, phở bò, có cả phở trộn và phở nước. Nói chung, món ăn Việt rất đa dạng và cũng có sự thay đổi theo thời gian nên việc nghiên cứu nó phải bao hàm nhiều góc độ.

Tôi tin nhiều người dân cũng suy nghĩ rằng việc chia nhóm không thực sự quan trọng bằng giá trị tinh thần của các món ăn đó mang lại. Có nhiều người khi ra nước ngoài định cư vẫn luôn nhớ đến những món ăn Việt. Đôi khi chỉ cần được ăn một bát phở thôi cũng thấy đỡ nhớ quê nhà. Một số bạn bè của tôi ở nước ngoài thường xuyên nhờ người thân gửi nước mắm, đồ khô... đậm chất ẩm thực Việt. Những giá trị vừa nêu là động lực để chúng tôi quảng bá ẩm thực Việt và xây dựng hồ sơ xin xác lập các kỷ lục.

- Ẩm thực Việt đã đạt được nhiều kỷ lục và nhờ đó các món ăn ngon được rất nhiều người biết đến. Trong quá trình quảng bá ẩm thực để xin xác nhận kỷ lục, ông thấy cộng đồng quốc tế cảm nhận như thế nào về món ăn Việt Nam?

- Có rất nhiều lời khen và tôi tâm đắc với những điều đó. Chúng tôi cùng các chuyên gia quốc tế thưởng thức, trao đổi về từng món ăn. Mỗi món ăn là một câu chuyện. Ở nước ta, đặc biệt là các món ăn truyền thống chế biến rất công phu, người làm phải có sự trải nghiệm và đúc kết kinh nghiệm của cha ông. Nghe thì giống như một câu chuyện lịch sử, nhưng nếu tìm hiểu sâu thì mọi người sẽ thấy ẩm thực Việt đúng là một câu chuyện văn hóa. Câu chuyện ấy không có hồi kết và đáng trân trọng. Hội đồng quốc tế đã cảm nhận và ngợi khen không phải vì xã giao mà dựa trên những cơ sở, tiêu chí nghiêm ngặt.

Trên mạng xã hội cũng có rất nhiều “Food blogger” nước ngoài giới thiệu về món ăn Việt. Năm 2013, đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay đã có dịp khám phá ẩm thực miền Tây Nam bộ. Lênh đênh trên chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), ông đã có ấn tượng khó quên về tô bún trên thuyền. Dù có hương vị rất thơm ngon, nhưng giá của nó chưa tới 1 USD, tức là khoảng 20 nghìn đồng. Sau khi nếm thử, đầu bếp khó tính Gordon Ramsay hoàn toàn bị chinh phục. Ông chia sẻ, hủ tiếu ở đây có mùi thơm của hẹ, các loại rau mùi, mọi thứ hòa quyện hoàn hảo để tạo nên một tổng thể vừa thanh nhẹ, vừa đậm đà.

Tháng 5-2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thưởng thức món bún chả truyền thống của Việt Nam trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội) cùng đầu bếp Anthony Bourdain. Ông Obama viết: “Chiếc ghế nhựa thấp, món bún rẻ nhưng ngon tuyệt, bia Hà Nội mát lạnh”. Đó, nhiều món ăn Việt rất dân dã nhưng không tầm thường. Các bạn trẻ hay dùng từ “ngon, bổ, rẻ” khi nói về những món ăn như vậy. Và tôi tin rằng, ẩm thực Việt sẽ còn đạt nhiều kỷ lục hơn nữa nếu chúng ta biết quảng bá.

- Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể quảng bá rộng rãi hơn nữa các giá trị của ẩm thực Việt ra phạm vi toàn cầu?

- VietKings luôn muốn giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt một cách tỉ mỉ. Khi hành trình của chúng tôi “hái được quả ngọt” thì một số cơ quan Nhà nước cũng khen ngợi, động viên. Tâm huyết của VietKings được thể hiện ở nhiều góc độ, trong đó chúng tôi đi thực tế, phối hợp với người dân, chính quyền địa phương trong việc khảo sát, thu thập tư liệu các món ăn. Ngoài ra, việc quảng bá ẩm thực bây giờ cũng rầm rộ trên mạng xã hội, đặc biệt tôi ấn tượng với việc quảng bá qua các cuộc thi sắc đẹp.

Trang phục “Cafe phin sữa đá” được Hoàng Thùy trình diễn tại Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2019 được đánh giá cao về yếu tố trình diễn và hiệu ứng bất ngờ trên sân khấu. Trang phục dân tộc “Ai tét hoong” của Á hậu Kim Duyên trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2021 lấy cảm hứng từ đặc trưng ẩm thực Cần Thơ - món bánh tét lá cẩm. Hoa hậu Hòa bình Thế giới (Miss Grand International 2021) Thùy Tiên đã giới thiệu ẩm thực đường phố nước ta trong khuôn khổ của cuộc thi. Theo tôi, đó là những cách quảng bá ẩm thực độc đáo, hiệu quả. Bản thân mỗi chúng ta cũng vậy, là người Việt nên yêu món ăn Việt và hiểu về những món ăn đó rồi chia sẻ với cộng đồng.

Còn về phía Nhà nước, nhiều bộ, ngành đã và đang ủng hộ kế hoạch quảng bá ẩm thực Việt. Khi chúng tôi xây dựng hồ sơ trình hội đồng quốc tế về những kỷ lục vừa nêu cũng được hỗ trợ rất nhiều về thủ tục hành chính. Nhưng xét ở phạm vi quốc gia thì việc quảng bá của chúng ta vẫn chưa đủ. Việt Nam có nguồn tài nguyên ẩm thực phong phú và những kỷ lục mà chúng ta đạt được còn ít so với giá trị vốn có. Vì vậy, chúng ta cần phải quảng bá nhiều hơn nữa.

- Ông vừa nói, VietKings sẽ còn làm nhiều điều hơn nữa về ẩm thực Việt. Cụ thể đó là việc gì?

- Có rất nhiều món ăn ở miền núi đã nổi tiếng trong nước và thế giới. Nhưng câu chuyện đằng sau các món ăn đó như thế nào thì cần có quá trình khảo sát thực tế, tra cứu tư liệu thật kỹ càng. Những món ăn vùng biển cũng vô vàn và thật thú vị khi tìm hiểu sâu. Chúng tôi sẽ tiếp tục lập nên những tài liệu mang tính khoa học về giá trị thẩm mỹ, văn hóa, dinh dưỡng... của các món ăn Việt và công bố rộng rãi. Đất nước chúng ta đang trên đà phát triển, đặc biệt là ngành du lịch có những chuyển biến tích cực thì việc quảng bá văn hóa ẩm thực lại càng quan trọng. Ẩm thực là những hoạt động không thể thiếu trong mỗi chuyến đi du lịch, là một trong những dịch vụ quan trọng nhất. Tôi xin nhấn mạnh, từ ẩm thực, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu và yêu Việt Nam và muốn đến du lịch hơn.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.