Nhà văn Di Li:

Ẩm thực là hồn cốt, là tình yêu, là cả một trời thương nhớ

ANTD.VN - “Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” - bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li bao gồm 107 câu chuyện về ẩm thực với tổng số 650 trang sách sẽ ra mắt độc giả ngày 12-11-2019. Tùy bút ẩm thực là thể loại không nhiều người viết, nhưng Di Li tự nhận mình là một người đam mê văn hóa ẩm thực. Chị cho rằng ẩm thực không chỉ là ăn uống mà còn là hồn cốt, là văn hóa của mỗi dân tộc. Phong cách ẩm thực luôn gắn liền với thổ nhưỡng, địa lý, tôn giáo và tính cách dân tộc nên thông qua ẩm thực, người ta có thể đọc ra được nhiều mã số văn hóa và lịch sử của dân tộc ấy. Đây là bộ đôi tùy bút ẩm thực đầu tiên viết về những món ăn vòng quanh thế giới và Việt Nam.

Tìm thấy trong những trang văn về ẩm thực một chất thơ

Ẩm thực là hồn cốt, là tình yêu, là cả một trời thương nhớ ảnh 1

Ẩm thực là hồn cốt, là tình yêu, là cả một trời thương nhớ ảnh 2“Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa” và “Nửa vòng Trái đất uống một ly trà” - bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li

- PV: Lý do thôi thúc chị viết ra 2 cuốn sách này là gì? 

- Nhà văn Di Li: Từ nhỏ, mỗi khi đọc tiểu thuyết, cho dù thuộc thể loại gì thì cứ hễ trong truyện chỉ tả đôi ba dòng về việc ăn uống của nhân vật là tôi mê mẩn. Tôi luôn tìm thấy trong những trang văn về ẩm thực một chất thơ và không gian văn hóa đặc biệt. Qua những cuốn tiểu thuyết nước ngoài, đời sống của nhân vật và con người ở những vùng đất ấy hiện lên qua những món mà họ ăn. Tôi cũng say mê với những trang tùy bút ẩm thực đầy chất thơ của Thạch Lam và Vũ Bằng.

- Đây có phải là lần đầu tiên chị thử sức với sách du ký, mà lại là du ký ẩm thực? 

- Tôi viết sách du ký đã nhiều nhưng lần đầu tiên viết du ký ẩm thực, nghĩa là việc ăn ở đây không chỉ mang tính thưởng thức mà còn là sự khám phá không gian văn hóa và con người gắn liền với ẩm thực ấy. Tôi chỉ thấy toàn thuận lợi khi viết hai cuốn sách này vì viết đến đâu là mạch bút tuôn trào đến đấy! 

- Qua cuốn “Nửa vòng Trái đất để uống một ly trà”, có thể cảm thấy là dù đi nhiều nơi, ăn nhiều món ăn nhưng ẩm thực Việt để lại cho chị nhiều dư âm tốt đẹp nhất, liệu điều đó có đúng không? 

- Đúng vậy, một trong những lý do mà tôi không thể định cư ở nước ngoài hay nơi nào khác ngoài Hà Nội là tôi không thể dứt khỏi những món ăn nơi này. Ẩm thực - món ăn không chỉ là no bụng và khoái khẩu mà nó còn là hồn cốt, là tình yêu với Hà Nội. Mỗi lần nhắc đến món chè bà cốt là tôi nhớ đến cái vỉa hè lốm đốm nắng đáng yêu trên phố Hàng Bồ, nói đến phở bò tôi nhớ tới người bán phở phúc hậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền, và nghĩ đến chè thập cẩm thì tôi ôm vào lòng cả một trời thương nhớ với những kỷ niệm tuổi học trò, ngày còn cùng bạn bè lang thang trên đường Trần Hưng Đạo rợp bóng cây xanh. Cái không gian ẩm thực và hồn cốt văn hóa là thứ ta không thể nào mua được. Cũng giống như ta không thể ngồi salon phòng khách mà uống trà bơ Tây Tạng hay ăn cao lầu trên vỉa hè Hà Nội vậy. Tuy nhiên trên đường thiên lý tôi cũng nhớ mãi những món ăn lạ lùng đầy tính khám phá. 

- Chị có thể kể tên 10 món ăn thế giới mà chị ấn tượng nhất?

- Tom Yum (Thái Lan); vịt quay Bắc Kinh; canh cá Mekong (Lào); súp cá ngư phủ (Hungary); cá trích ngâm dầu (Nga); bạch tuộc Tây Ban Nha; bánh Nan pho mát ăn với Palak Paneer (Ấn Độ); bánh Thái Dương (Đài Loan); kem Thổ Nhĩ Kỳ; mứt hồng (Hàn Quốc). Nếu được thêm 1 món nữa thì tôi “vote” cho trà gia vị Ấn Độ.

- Chị dành rất nhiều bài viết cho trà? Tại sao lại là trà, mà không phải cà phê hay các loại nước uống khác? 

- Sau khi đi hòm hòm ba lục địa thì tôi phát hiện ra người ta có rất nhiều cách pha trà và cách thưởng thức khác nhau. Hóa ra có mỗi nhúm trà ấy thôi mà có thể pha chế ngoạn mục thành rất nhiều phong cách. Những dụng cụ pha trà cũng kỳ lạ nốt. Người Thổ uống trà đỏ và phải pha bằng ấm hai tầng. Người Ấn pha trà với hàng chục loại gia vị khác nhau và uống trong tách đất nung. Người Maroc uống trà bạc hà với bộ đồ trà đẹp như “Nghìn lẻ một đêm”. Người Nhật chuẩn bị cho một bữa trà đạo Matcha tới cả tiếng mới xong. Người Tây Tạng và Mông Cổ uống trà với muối và sũng bơ trong ấy. Người Thái uống trà nhuộm màu cho cam rực lên… 

Cách uống trà và không gian trà của mỗi dân tộc thực xứng đáng có được một cuốn sách riêng chứ không chỉ là một phần của sách như cách tôi đã làm. Các loại đồ uống khác không có văn hóa đa dạng như trà. Chính vì thế tôi tin rằng độc giả sẽ thích series trà mà tôi viết trong cuốn này.

Tôi viết đến 107 món ăn thì dừng

- Trong cuốn “Tôi đã ăn cả một cánh đồng hoa”, có những món ăn chị phải rất vất vả mới được ăn thử, đó đều là những đặc sản riêng của từng vùng đất. Đó có phải là những trải nghiệm đáng nhớ của chị không? 

- Đúng là… “nghề ăn” cũng lắm công phu, vất vả lắm! Đi xứ người, nhiều món ăn và văn hóa bán hàng mình không thông thạo, cứ tưởng… có tiền là ăn được, nhưng người ta chỉ bán giờ ấy, và phải đúng chỗ mới ngon. Nên chệch giờ là coi như hỏng. Có hôm người bán hứng chí nghỉ hàng, mà mình chỉ còn nửa ngày nữa là lên máy bay, thì cũng coi như xôi hỏng bỏng không. Có bận chạy hộc tốc đến nơi thì người ta bán bát cuối cùng cho người kia mất rồi, chỉ chậm có vài giây thôi là cũng “mất ăn”…

- Chị mong truyền tải cho độc giả, nhất là phụ nữ, thông điệp gì qua 2 cuốn sách này? 

- Trước nay đáng lẽ có những nghề phụ nữ phải tài giỏi hơn cả là thiết kế thời trang, làm tóc, trang điểm, nấu ăn… thì đàn ông cũng thống lĩnh. Rồi đến cả viết về món ăn cũng toàn thấy các tên tuổi nam giới, ở nước ngoài cũng vậy. Phải chăng phụ nữ liên quan đến ăn uống suốt ngày nhưng chủ yếu là nấu nướng cho chồng con ăn mà ít mang tính thưởng thức và trải nghiệm văn hóa. Nhiều người cũng hiếm khi có thói quen khám phá ẩm thực. Họ quen món nào rồi là cứ ăn mãi món ấy và rất sợ những món ăn lạ, thậm chí nài thử một miếng cũng nhất định không. Lắm người đi nước ngoài ngắn ngày thôi mà bữa nào cũng đòi ăn cơm Việt Nam, thậm chí còn bắt nhà bếp Paris luộc bắp cải chấm trứng nữa. Nếu không được ăn đúng kiểu hoặc gặp món khó ăn là mặt họ nhăn như bị, thậm chí cáu kỉnh vì việc ăn uống không được thỏa mãn. Chúng ta đã ăn cơm nhà 365 ngày, tới gần nghìn bữa được ăn cơm với đầy đủ nước mắm, giờ chỉ còn vài bữa thì chính là cơ hội để khám phá và trải nghiệm văn hóa, mà lại nhất quyết “tuyệt thực” không ăn thì một là không đủ sức khỏe để theo đuổi hành trình, hai là bỏ qua cơ hội khó có được lần thứ hai để trải nghiệm văn hóa xứ người.

- Hiện nay đa phần phụ nữ ủng hộ phong cách ăn nhanh, ít cầu kỳ như các bà nội trợ xưa? Chị là người hiện đại, thời gian ít, vậy chị ủng hộ việc mua bánh mì về phết bơ với cá khô và mỡ muối đãi khách hay chui vào bếp giã cua, đãi hến, muối cà, rán nem?

- Tôi nghĩ trong thời đại này mà bữa ăn nào cũng cầu kỳ dăm bảy món lên bàn thì không ai có đủ thời gian để làm việc ấy, và cũng không nên như thế, để chúng ta còn dành thời gian cho việc khác bổ ích hơn. Tuy nhiên mỗi lần mời khách tôi đều tự tay làm đến chục món đãi khách, toàn những món mất thời gian như bún thang, phở tái lăn, bánh đa cá rô đồng, hay bún bò Nam bộ, thịt luộc mắm tép, hàu nướng mỡ hành… Khách nào cũng phát kinh rồi mắng chủ nhà cầu kỳ, mắng cả tội hay thích mời khách, rằng: “Không biết ngại là gì à?”. Họ vừa ăn vừa thấy ngại thay cho tôi. Nhưng trung bình mỗi tháng tôi mới mời khách một lần chứ có phải ngày nào cũng bày vẽ ra chừng ấy món đâu. Bỏ công đi tìm những món ăn, quán ăn ngon và tẩn mẩn ngồi làm cơm đãi khách vẫn là văn hóa của gia đình tôi. 

- Trong tương lai chị có định viết thêm về đề tài này không? Hoặc kế hoạch cho cuốn sách sắp tới của chị là gì? 

- Tôi viết đến 107 món ăn thì dừng, không phải vì hết vốn mà vì cần phải dành thời gian để viết thêm những thứ cũng quan trọng khác nữa, chứ cứ mê mải ngồi viết món ăn thì… viết đến hết đời. Tôi đang có 2 cuốn tiểu thuyết trinh thám quan trọng cần hoàn thành nên năm sau sẽ tập trung sang dự án khác. 

- Cảm ơn và chúc chị thành công, hạnh phúc! 

“Ẩm thực không chỉ là no bụng và khoái khẩu mà nó còn là hồn cốt, là tình yêu với Hà Nội. Mỗi lần nhắc đến món chè bà cốt là tôi nhớ đến cái vỉa hè lốm đốm nắng đáng yêu trên phố Hàng Bồ, nói đến phở bò tôi nhớ tới người bán phở phúc hậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền, và nghĩ đến chè thập cẩm thì tôi ôm vào lòng cả một trời thương nhớ với những kỷ niệm tuổi học trò, ngày còn cùng bạn bè lang thang trên đường Trần Hưng Đạo rợp bóng cây xanh. Cái không gian ẩm thực và hồn cốt văn hóa là thứ ta không thể nào mua được”.

Nhà văn Di Li