GS. TS Nguyễn Thuyết Phong

Âm nhạc Việt Nam tạo cảm giác yên bình

ANTĐ - Nhiều khán giả Mỹ sau khi nghe âm nhạc Việt Nam chia sẻ, những ấn tượng, thậm chí ác cảm của họ về cuộc chiến tranh Việt Nam bỗng dưng tan biến. Âm nhạc truyền thống Việt Nam đem đến họ cảm giác yên bình, êm ả, sâu lắng từ một xã hội có lịch sử nghệ thuật đáng kính nể. Đó là tâm sự của GS. TS âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong- người đã cùng các nghệ sĩ thực hiện chương trình “Ba dòng sông - một cội nguồn” biểu diễn cho các sinh viên các trường Đại học Mỹ.

GS. TS Nguyễn Thuyết Phong trong một buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Mỹ

Việc biểu diễn âm nhạc kèm theo các buổi thuyết trình của ông ở các đại học Mỹ đã diễn ra suốt 30 năm qua. Gần đây ông mời các nghệ sĩ Việt Nam hợp tác cùng ông qua chương trình “Songful  Vietnam” (Âm vang Việt Nam). Đặc biệt ông nhắm tới các nghệ sĩ tương đối trẻ nhưng có khả năng thể hiện những thể loại loại dễ thất truyền. Năm 2013, chương trình “Songful Vietnam III” được tổ chức với sự hỗ trợ và hợp tác giữa Hội văn hóa giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ và các trường đại học miền Đông Hoa Kỳ. 

GS Nguyễn Thuyết Phong kể, lý do đặt tên cho các buổi diễn “Ba dòng sông- Một cội nguồn” là sông Hồng, sông Hương, và sông Cửu Long (gồm cả sông Tiền và sông Hậu) là nguồn tập hợp cư dân Việt từ thời cổ đại cho đến thế kỷ 17.

Từ ba cái nôi văn hóa ấy, âm nhạc truyền thống Việt Nam thể hiện 3 đặc tính riêng. Nét đặc trưng ấy được cảm nhận từ thuở ấu thơ nơi miền sông nước Hậu Giang, lớn lên đi nước ngoài nhưng lại trở về quê hương nghiên cứu âm nhạc ở đồng bằng sông Hồng, sông Hương, để rồi ông nhận ra những điệu nhạc dù khác nhau nhưng đều có một âm hưởng chung, một cội nguồn dân tộc.

Chính vì vậy, khán giả đến với chương trình này được nghe giai điệu xẩm, quan họ, nhã nhạc và ca Huế, độc tấu và hòa tấu ngâm thơ Nguyễn Trãi, dân ca và hát bội Nam bộ. Số lượng nhạc cụ được giới thiệu đến khán giả khá đa dạng với cấu trúc và thanh âm rất “Việt Nam” như đàn bầu, đàn tranh, T’rưng, đinh tút v.v… Bên cạnh đó, sáo Mông và âm nhạc tre trúc Tây Nguyên cũng là một mảng âm nhạc thêm vào cho đầy đủ sắc màu âm thanh Việt Nam. 

GS Nguyễn Thuyết Phong tự hào cho biết, dù chỉ có 5 nghệ sĩ với 10 nhạc cụ, mỗi chương trình dài 90 phút nhưng đã giúp cho khán giả có một cái nhìn tròn vẹn, phong phú về vốn quý của dân tộc.  Bởi vậy, chuyến đi trải qua 2 ngàn cây số trong 10 ngày đã mang đến các giáo sư, sinh viên, và công chúng Mỹ tại các đại học như Harvard, Yale, Holy Cross, Princeton… một cảm nhận mới về văn hóa âm nhạc Việt Nam.

Riêng người Việt ở nước ngoài thì vừa vui mừng, vừa xúc động vừa biết ơn vì đã được nghe giai điệu Tổ quốc ở xứ người. Tất cả bày tỏ sự yêu quý, thích thú về truyền thống âm nhạc Việt Nam.  Không chỉ vậy, âm nhạc của chúng ta cũng chạm đến được trái tim của người yêu nhạc nước bạn. Bởi sau mỗi buổi diễn đoàn nghệ sĩ đều có phần trao đổi với khán giả, trong thời gian 30 phút. Điều đó giúp họ nhận ra một lý thuyết âm nhạc có hệ thống, có lịch sử lâu đời, nhiều thể nhạc phức tạp gắn liền thân thiết với đời sống con người và đất nước từ bao ngàn năm qua.  

Người Mỹ cho rằng âm nhạc Việt Nam nhẹ nhàng, mềm mại. Họ đánh giá đây là một loại nhạc đầy thi vị có vần điệu. Nói một cách khác, chất thơ rất cao trong các bài dân ca, nên dễ nghe. Ngữ điệu trong tiếng Việt đã tạo ra giai điệu súc tích, bổng trầm, độc đáo. Người không biết lý thuyết nhiều về âm nhạc cũng có thể nhận ra nghệ thuật luyến láy điêu luyện của các nốt nhạc, rất đặc trưng, khác với nhạc cổ điển tây phương hay nhạc pop họ thường nghe. 

GS Nguyễn Thuyết Phong sinh năm 1946 tại huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc tài tử, nhạc lễ Nam bộ, lên 5 tuổi Nguyễn Thuyết Phong đã bắt đầu ca vọng cổ, đi hát cùng gánh nhạc hiếu của cha dọc khắp các vùng sông nước, từ Cần Thơ lên tận Vĩnh Long, Sóc Trăng… Năm 1973, ông rời Việt Nam qua Nhật học đại học về ngành giáo dục, rồi chuyển tiếp qua Đại học Sorbonne, Paris  học 7 năm chuyên ngành dân tộc nhạc học để lấy bằng tiến sỹ. 40 năm trước, ông đã phải làm mọi việc có thể để kiếm sống và có tiền đi học: lái xe taxi, đi bỏ báo, bồi bàn, công nhân in, từng đứng máy photocopy nhiều giờ mỗi ngày, rồi làm đầu bếp trong những nhà hàng châu Á.

Giờ đây, ông trở thành người Việt thứ hai (cùng với GS Trần Văn Khê) được ghi danh vào cuốn “Đại từ điển âm nhạc thế giới”. Ông đoạt giải thưởng Di sản quốc gia Mỹ năm 1997. Ông cũng là người được Chính phủ Mỹ phong tặng danh hiệu “Di sản quốc gia” - danh hiệu được trao cho hầu hết những tác giả, nhạc sĩ tuổi ngoài 80. Hiện ông đang giảng dạy môn Dân tộc nhạc học tại nhiều trường đại học tại Hoa Kỳ.