Ấm lòng Tết xa xứ

ANTĐ - Đúng 6h chiều ở Berlin (Đức) là thời khắc giao thừa ở Việt Nam. Các chợ đèn, nến sáng trưng, khói hương nghi ngút. Chủ hàng quần áo chỉnh tề đọc bài khấn tổ tiên, thần tài, phù hộ cho phát tài, phát lộc, rồi nổ pháo tưng bừng. Lát sau, bà con tới các gian hàng, chúc nhau năm mới buôn may, bán đắt. Những chai sâm panh nổ tới tấp như pháo lệnh.

Ấm lòng Tết xa xứ ảnh 1Người Việt gói bánh chưng đón tết cổ truyền tại Đức

Từ Paris hoa lệ, chuyến xe của hãng Eurolines chạy suốt đêm vượt chặng đường dài 1.000km đưa tôi sang Berlin.

Bà con người mình ở Đức có người định cư đã tới 30 năm, còn hầu hết từ 16 đến 20 năm, đều đón cả Tết Tây và Tết cổ truyền. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, trong 2 chợ bán buôn và các cửa hàng thực phẩm châu Á của người mình bày nhiều bánh chưng, bánh tét gói bằng lá dong đưa từ Thái Lan sang, rồi giò lụa, chả quế, nem chua, bóng, mực khô, tôm, cua bể, cá chép và cam, bưởi, phật thủ, hồng đỏ, chuối xanh để bày mâm ngũ quả... Lại ê hề các loại mứt, rượu Việt Nam, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, pháo tràng Hồng Kông, pháo hoa Đức, cả lịch treo, báo Tết rực rỡ sắc màu đưa từ Việt Nam sang. Có thiếu chăng là cành đào Nhật Tân, mai vàng Đà Lạt, quất Tứ Liên, phải thay cành đào bằng nilon mỏng, cây quất vàng bằng nhựa cho đỡ nhớ.

Ở chợ, bà con mới tìm được không khí Tết cổ truyền, chứ ở các khu chung cư cao tầng thì đúng là Tết tha hương, vắng hẳn cái không khí nhộn nhịp đón Xuân. Bởi Giao thừa và 3 ngày Tết, nhà nào cũng bận đi làm, đi bán hàng nên chỉ đặt lên bàn thờ chai rượu, đôi bánh chưng, con gà luộc, mâm ngũ quả, hết tuần hương thì hóa vàng.

Trong giờ phút thiêng liêng, ai cũng nhớ gia đình, quê hương da diết. Có người đứng bên cửa sổ nhìn bầu trời âm u, tuyết đang rơi, ôm mặt khóc nức nở. Một anh đi làm về muộn, vội vã lấy con gà luộc, cái bánh chưng mua ở chợ, đặt lên bàn thờ, thắp mấy nén hương, vái mấy vái rồi ngồi khóc trong căn phòng trống lạnh. Nhớ nhà quá, anh gọi điện về Hà Nội, chúc Tết gia đình và sụt sịt: “Con không có thì giờ, đi làm về thì đã quá Giao thừa”. Mẹ anh không cầm nổi nước mắt: “Cả nhà ta vừa ăn cỗ tất niên, đều nhắc đến con. Thôi, sang năm về nhà ăn Tết đi”... Sau hơn 20 năm miệt mài lao động, cộng đồng người Việt ở Đức đến hôm nay đã tạo dựng được cuộc sống hơn hẳn hồi mới sang. Nhưng, mỗi dịp Tết đến, Xuân về ai nấy lại thấy đơn côi nơi xứ người. Thật vậy, Tết Âm lịch đối với người châu Âu rất xa lạ, chỉ là ngày làm việc bình thường. Thế nên, anh chị em ca ngợi kênh truyền hình VTV4 phát khắp nơi trên thế giới cho đồng bào ta xem, làm ngắn lại khoảng cách, người mình bớt trống trải, cô đơn, nhất là những ai phải sống một mình tách xa cộng đồng Việt, giữa ngày Tết, chỉ biết ngồi nhìn tuyết trắng rơi ngoài hiên. Xem cầu truyền hình, bà con thấy được tầm vóc đất nước, nhân dân khắp nơi đón Giao thừa, tưng bừng múa hát mừng Xuân.

Tới mùng 3 Tết, Đại sứ quán Việt Nam cùng Hội Hữu nghị Đức – Việt tổ chức gặp mặt đầu Xuân với cộng đồng người mình và đoàn ngoại giao. Đôi câu đối đỏ chữ vàng ấm áp lòng người: “Chim có tổ, người có tông, tuy ở cách nghìn sông, không mờ nhạt tổ tông Hồng - Lạc/ Nước có nguồn, cây có cội, dẫu đi xa vạn đỗi, chẳng phai nhòa nguồn cội Rồng  - Tiên”. Và cây đào đưa từ Hà Nội sang đang nở hoa. Xúc động biết bao khi giữa trời Âu xa vời lại vút lên tiếng đàn, lời ca về đất nước đổi mới. Ở các bang, Hội người Việt Nam cũng đón Tết cổ truyền như thế, vơi đi nỗi nhớ nhà. Ngoài kia, tuyết vẫn rơi. Trong nhà, tiếng nói, tiếng cười thật ấm cúng giữa mùi hương trầm tỏa ngát không gian.

Tin cùng chuyên mục