Ám ảnh trang trại cần sa

ANTĐ - Mỗi bức hình đăng trên Missing Kids UK, là một câu chuyện riêng rẽ, ám ảnh, nhưng khi đặt chúng cạnh nhau, người ta dễ nhận thấy một mô hình riêng biệt nổi lên khó có thể bỏ qua.

Một lượng lớn các thanh thiếu niên trên trang Web này là người Đông Nam Á, nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng hơn thì thấy hầu hết số nạn nhân này đến từ cùng một quốc gia. 113 trẻ em và thanh thiếu niên trên danh sách,  thì có tới gần 1/5 (chiếm 22,6%) là những cái tên Việt Nam, mặc dù cộng đồng người Việt ở đây chiếm chưa tới 0,1% dân số toàn nước Anh.

Hầu hết các trường hợp được cho là bị các băng đảng đưa lậu vào Anh, sau đó bị cảnh sát phát hiện và đưa vào những trung tâm chăm sóc. Một cậu bé người Việt 15 tuổi, xuất hiện trên các trang mạng báo trẻ mất tích dưới một cái tên khác, đã bị đưa lậu vào Anh bằng xe tải và bị buộc phải làm việc nhà cho những kẻ buôn lậu. Sau đó, cậu bé được đưa vào làm “thợ vườn” ở một số trang trại trồng cần sa trên toàn quốc.

Các nhà máy sản xuất thường được đặt trong các căn nhà ở khu dân cư, hầu như đều hoạt động ở mô hình nhỏ để giảm thiểu nguy cơ bị phát hiện. Và các thiếu niên thợ vườn thường bị nhốt ở bên trong, thường bị đánh tại một trong các căn nhà trồng cần sa và khi bị phát hiện thì những cậu bé này sẽ bị kết tội trồng cần sa.

Parosha Chandran, một luật sư nhân quyền, hiện đang bảo vệ một trong ba vụ tại Tòa kháng cáo nhằm lật lại việc kết án một nam thiếu niên người Việt về tội trồng cần sa. “Cần phải có cách bảo vệ các em này, là những đối tượng không được ai bảo vệ; cần bảo vệ các em không chỉ khỏi tay của những kẻ buôn người mà còn từ hệ thống tư pháp hình sự nữa”, bà nói. Tuy nhiên, vụ việc chỉ hy vọng xử lý được một khía cạnh của vấn đề mà thôi.

Dù có bị kết tội hay không thì các em rồi vẫn được đưa vào trung tâm chăm sóc, và từ đó lại phát sinh ra một loạt những khó khăn mới.

Ước tính hơn nửa số thiếu niên bị buôn lậu vào Anh rồi được đưa vào các trung tâm chăm sóc đã mất tích không dấu vết. Chloe Setter từ Ecpat UK, một tổ chức tự nguyện bảo vệ các nạn nhân bị bắt cóc, ép làm việc phi pháp, giải thích nguyên nhân chính là do các mạng lưới tội phạm đã, đang tìm mọi cách kiềm chế cả nạn nhân lẫn gia đình các em. Trong khi đó, các phụ huynh Việt Nam lại quá nhẹ dạ khi tin vào viễn cảnh tương lai tươi đẹp mà bọn môi giới vẽ ra, nào là được học ở châu Âu, rồi khi ra trường được nhận vào các công ty lớn với mức lương cao. Để có được điều đó, phụ huynh sẵn sàng hy sinh, thậm chí phải bán nhà cửa, đồ đạc đi để có thể cho con sang Anh. Khi sang tới Anh, các em phải gánh theo khoản nợ có thể lên tới 15.000 bảng, chưa kể tiền lãi suất nặng.

Philip Ishola, người điều hành Văn phòng Chống Buôn người, vừa trở về từ Việt Nam cho hay, họ biết ít nhất hai trường hợp các gia đình bị rơi vào tầm ngắm của bọn tội phạm.

Việc xử lý tình trạng tội phạm này đang được thực hiện. Các quan chức từ Bộ Ngoại giao Anh đã đi cùng Ishola trong chuyến đi Việt Nam, nơi chính phủ sở tại cũng đang theo dõi các tuyến đường buôn người ra nước ngoài. Tại Anh, nhiều tổ chức thiện nguyện đang làm việc cùng các cơ quan chính phủ nhằm tăng sự nhận thức chung về tình trạng buôn người, trong đó có cả chuyện liên quan tới Việt Nam.

Hiện đang có những lời kêu gọi nhằm để toàn bộ các đối tượng, sau khi đã được xác định là nạn nhân thì sẽ được cử người giám hộ, và người này sẽ chịu trách nhiệm pháp lý cho các em. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, và chưa tìm ra câu trả lời cho mọi vấn đề.

Trẻ vị thành niên bị buôn bán từ đâu?

Theo Cơ quan chống tội phạm có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng (SOCA), trong năm 2012, tổ chức chống nạn buôn người ở Anh Quốc nhận được 371 trường hợp là trẻ vị thành niên đến từ nhiều quốc gia. 5 quốc gia đứng đầu danh sách này là: Việt Nam - 96 người; Nigeria - 67; Albania - 25;  Vương quốc Anh - 22; Trung Quốc - 20.

Phải làm gì nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ mất tích

- Gọi điện thoại cho cảnh sát nơi gần nhất.

- Cho biết chi tiết chính xác về vị trí, thời gian, và ngày bạn nhìn thấy đứa trẻ - cũng như mô tả bất kỳ người nào khác có liên quan (người lớn hoặc trẻ em).

- Không tiếp cận đứa trẻ hoặc cố gắng “giải cứu”. Hãy để lại đó cho cảnh sát.